Tiếng nói NĐT: Dòng tiền vẫn đang lựa chọn chứng khoán
Đa số nhà đầu tư đều cho rằng hiện vẫn chưa có kênh nào hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán (TTCK), vì thế dòng vốn vẫn đang “rót” vào thị trường này. Và thị trường tăng điểm ngày càng ổn định: "Không tăng nóng quá - cũng không giảm mạnh quá”.
Tổng kết tuần qua, nhà đầu tư Thùy Linh phân tích, xét tổng mức giao dịch trong tuần trên cả hai sàn đã đạt trên 1,900 tỷ đồng/phiên. Đây là thành tích giao dịch rất tích cực cho cả hai sàn so với năm 2011, khi ngoại trừ một số phiên cao trào vào tháng 6 và tháng 9, số phiên còn lại hầu hết không đạt 1,000 tỷ đồng/phiên. Điều này chứng tỏ dòng tiền vẫn đang tiếp tục lựa chọn kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả, đó là TTCK.
Xét về thông tin vĩ mô, điều đáng quan tâm nhất là chỉ số CPI tháng 3 “tăng thấp” bất ngờ ngay cả khi giá xăng tăng, giá điện có thể tăng, lãi suất ngân hàng giảm... hỗ trợ BĐS, mở room cho NĐTNN tại các ngân hàng cổ phần thương mại, các tổ chức tín dụng yếu kém… đang được Chính phủ và nhiều tổ chức rất quan tâm…
Đồng quan điểm này, nhà đầu tư có nickname Xét lại cũng cho rằng dòng tiền hiện chưa có cơ hội khác tốt hơn chứng khoán để thoát ra thị trường. Thời điểm này hội tụ đủ cả 3 yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cụ thể, đối với dòng tiền lớn, việc kinh doanh giá lên trong thời điểm thiên thời cũng đang được nước ngoài ủng hộ; địa lợi là nền kinh tế trong và ngoài nước dần đi vào ổn định; còn nhân hoà là nhà đầu tư hiện khó có cơ hội kinh doanh nào khác ngoài chứng khoán.
ChuotCong nhìn nhận, gần đây thị trường ngày càng lớn mạnh về nhiều mặt như quy mô, vốn hóa, số nhà đầu tư ngày càng đông và mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, cơ chế hoạt động hoàn thiện hơn, hiểu biết của các nhà đầu tư cũng được nâng lên...
Cũng chính vì vậy thị trường tăng điểm ngày càng ổn định. "Không tăng nóng quá - cũng không giảm mạnh quá". Giá trị cổ phiếu ngày càng được chú ý nhiều hơn - bớt hẳn tình trạng tốt xấu như nhau "vơ đũa cả nắm" như trước. Do đó, nếu cổ phiếu nào giá trị nội tại hiện nay vượt quá giá trị thật trong bối cảnh chung của thị trường thì bị xả ra lập tức khó mà tăng nóng.
Nhà đầu tư này lấy dẫn chứng, KLS có giá khoảng 12-13, SSI giá khoảng 20-21. Khi những cổ phiếu này tăng quá mức tăng chung của thị trường thì bị xả hàng ngay. Còn HBB chẳng hạn, nếu đè xuống 5-6 thì bị hốt liền vì giá trị nội tại của nó đối với thị trường chung phải cao hơn, cho nên dòng tiền còn vào mạnh.
Khi thị trường chung thay đổi, ví dụ khi VN-Index vượt 500 điểm thì lúc đó SSI có thể được chấp nhận mức giá 25-26, còn KLS ở mức giá 14-15 chẳng hạn...
Cũng chính vì điều này nên những người chủ trương "Kinh doanh giá xuống" (short sell) thời gian qua bị điêu đứng!!!
Người Sài Gòn cũng cho rằng, trên toàn thế giới dòng vốn đang dịch chuyển dần khỏi tài sản phòng thủ để cơ cấu vào tài sản mang tính đầu tư. Và cổ phiếu hiện là sự lựa chọn số 1, đặc biệt là các thị trường mới nổi và sụt giảm sâu nhất nhì thế giới như ở Việt Nam.
Ngoài ra, vĩ mô dần sáng hơn, tỷ giá đã không còn chỗ đầu cơ nên sắp tới sẽ có nhiều dòng vốn đầu cơ quốc tế dồn về Việt Nam…
Trái ngược với các quan điểm trên, MB lại nhìn nhận rằng hiện tại còn rất nhiều bất ổn... nên chứng khoán không thể tăng phi mã, mà cần có thời gian tích lũy. Theo đó, nhà đầu tư này đưa ra một vài lý do như chúng ta đang đối mặt với giảm phát trong một vài tháng tới nếu CPI không kiểm soát tốt; lãi suất huy động thật sự không giảm; giá điện sẽ tăng đầu tháng 4; Nhà nước đang tăng thu... đủ các loại phí; tín hiệu bắt buộc NHNN muốn kiểm soát dòng tiền…
Trong khi đó, nhà đầu tư Nhatgan chia sẻ, tuần sau là sóng của ngân hàng sẽ tiếp sức vượt qua 80 điểm và 480 điểm. Theo nhà đầu tư này, giá điện hiện nay chưa có cơ sở để tăng giá (sau khi EVN cam kết với Bộ Tài chính về tiết giảm chi phí 5-7%). Vì thế, hiện tại không có lý do gì để thị trường suy giảm ít nhất là đến giữa tháng 4.
Minh An tổng hợp (Vietstock)
finfonet
|