Cận cảnh dòng vốn Nhật vào TTCK
Có thể xuất hiện làn sóng đầu tư từ Nhật Bản nếu những cải cách nền kinh tế của Việt Nam phát đi tín hiệu lạc quan hơn.
Từ đầu năm đến nay, số vốn mà NĐT Nhật Bản giải ngân vào TTCK Việt Nam có xu hướng tăng. Ghi nhận của một số quỹ đầu tư cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng đầu tư từ Nhật Bản nếu những cải cách nền kinh tế của Việt Nam phát đi tín hiệu lạc quan hơn.
Lượng hóa dòng tiền
Theo một số quỹ đầu tư chuyên thu hút dòng vốn từ Nhật Bản để đầu tư vào TTCK Việt Nam, NĐT Nhật Bản đang có cái nhìn khá lạc quan về cơ hội đầu tư. Lý do không chỉ bởi giá chứng khoán hiện vẫn còn tương đối rẻ, mà quan trọng hơn là nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô về dài hạn đang có những bước đi đúng hướng, tuy rằng kết quả mang lại chưa như mong đợi.
Ông Lê Thế Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam (CPVN) thuộc Công ty Capital Partners Securities (CPS) của Tập đoàn Capital Partners (Nhật Bản) cho biết, CPS là một trong những CTCK Nhật Bản huy động vốn mạnh nhất đầu tư vào TTCK Việt Nam ngay từ năm 2005, với gần 300 triệu USD. Lãnh đạo CPS đã trao đổi với các quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nếu điều kiện thuận lợi, trong năm nay, CPS sẽ hút thêm khoảng 300 triệu USD và ít nhất đạt 1 tỷ USD trong những năm tới, để đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Còn CPVN, qua các cuộc tiếp xúc gần đây với khách hàng hiện có và các NĐT đang có nhu cầu đầu tư qua hình thức M&A vào TTCK Việt Nam, Công ty nhận thấy có một dòng tiền khá lớn từ Nhật Bản đang trực chờ cơ hội vào TTCK Việt Nam. Lý do, không chỉ bởi nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, mà còn do sức hút từ các DN FDI của Nhật Bản đang kinh doanh khá hiệu quả tại Việt Nam.
Công ty Quản lý quỹ Capital Partners Asset Management (thuộc Tập đoàn Capital Partners) chia sẻ, đang phối hợp với Dragon Capital cùng quản lý một số quỹ đầu tư. NĐT Nhật Bản góp vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam thông qua mua chứng chỉ quỹ DCVF do Capital Partners Asset Management và Dragon Capital điều hành. Chứng chỉ quỹ mở này được giao dịch hàng ngày và thông tin liên tục được cập nhật, để đáp ứng nhu cầu giao dịch của NĐT.
Là một công ty quản lý quỹ đầu tư nội địa chuyên thu hút vốn từ NĐT Nhật Bản để đầu tư vào TTCK Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Bông Sen (LotusIMC) cho hay, danh mục đầu tư tính theo giá trị tài sản ròng (NAV) mà quỹ huy động tại Nhật Bản, do Công ty đang quản lý, đạt gần 340 tỷ đồng. Gần như toàn bộ danh mục đầu tư của LotusIMC là cổ phiếu niêm yết, với mục tiêu đầu tư dài hạn. Nếu như năm 2011 có hiện tượng NĐT rút vốn, thì từ đầu năm 2012 đến nay, các NĐT Nhật Bản đã giải ngân ròng hơn 10 tỷ đồng. Số vốn này không lớn, nhưng quan trọng là phát đi tín hiệu cho thấy NĐT Nhật Bản đang quay lại TTCK Việt Nam. LotusIMC đang nỗ lực huy động vốn bổ sung từ Nhật Bản để đầu tư vào TTCK Việt Nam.
“Bóng” nằm trong chân Việt Nam
Việc hút thêm dòng vốn ngoại, nhất là từ NĐT Nhật Bản, theo ông Bình, chủ yếu nằm ở môi trường đầu tư Việt Nam. Theo kinh nghiệm của CPVN, phần lớn trong số những NĐT có nhiều tài sản tại Nhật Bản thích đầu tư ra thị trường vốn quốc tế, hiện là những người trên 50 tuổi. Ở độ tuổi này, đa phần họ không thích đầu tư lướt sóng, không sẵn sàng đối mặt với nhiều rủi ro. Họ ưa thích đầu tư dài hạn, với mức lợi nhuận trung bình khá, ít rủi ro.
“Với đặc tính này, một khi bất ổn vĩ mô của Việt Nam, nhất là tình trạng lạm phát và lãi suất cao, VND mất giá, thâm hụt cán cân thương mại lớn kéo dài… được kiên trì giải quyết triệt để, nhằm dần ổn định vĩ mô về dài hạn, thì không quá lạc quan khi cho rằng, sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào TTCK Việt Nam trong những năm tới”, ông Bình nhận định.
Cùng với ổn định vĩ mô, để dòng vốn ngoại chảy vào TTCK gia tăng cả về chất và lượng, cơ quan quản lý cần tạo ra sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp, để đủ sức giành ưu thế trước các đối thủ trong khu vực. Nếu quá trình này diễn ra chậm và kém hiệu quả, thì Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thua thiệt trong thu hút dòng vốn ngoại, nhất là với các NĐT tiềm năng lớn là Nhật Bản.
Nâng cao sức cạnh tranh quốc tế cho TTCK cũng là một ưu tiên quan trọng. Theo các quỹ đầu tư, trước mắt, Việt Nam nên thực hiện 3 ưu tiên. Thứ nhất, đẩy nhanh tiến trình CPH các DNNN lớn, có tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam Airlines, MobiFone, các ngân hàng và DN trong ngành logistics. Thứ hai, nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua việc khuyến khích niêm yết các DN trên, đồng thời, xem xét nới room cho NĐT nước ngoài. Thứ ba, cơ chế giao dịch T+4 hiện tại rất khó để NĐT chủ động ứng phó với rủi ro, UBCK nên xem xét rút ngắn cơ chế này.
Hữu Hòe
đầu tư chứng khoán
|