Tháng Tư – Đáp án của kỳ vọng trên TTCK
Thị trường chứng khoán Tháng Ba tăng ấn tượng, làm đẹp lòng và mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng đối với những nhà đầu tư nhiều thận trọng sau khi đã chốt lời. Còn các nhà đầu tư lạc quan, đang nắm giữ nhiều cổ phiếu thì hiệu quả vẫn đang chờ đón vào Tháng Tư.
Bên cạnh yếu tố cơ bản là mặt bằng giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá trị thực (giá trị nội tại), thị trường tăng lên là điều tất yếu khi có điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi.
Tuy nhiên, thị trường Tháng Ba còn được chi phối mạnh bởi những kỳ vọng, nhận định tương lai đầy lạc quan. Từ đó, tạo nên những cơn sóng cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí và penny. Trong không khí lạc quan này, nhất là khi có dòng tiền mới, thị trường trở nên nhạy cảm và hấp thụ nhanh những thông tin mới, nhất là thông tin tốt và cả những thông tin chưa rõ ràng.
Kỳ vọng và nhận định lạc quan là yếu tố dẫn dắt thị trường Tháng Ba. Thị trường tạm gọi là “bùng nổ” trong hoàn cảnh hiệu quả của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và cả nền kinh tế nói chung còn ảm đạm trong môi trường thắt chặt tiền tệ. Và một phần không nhỏ của sự “bùng nổ” lại diễn ra ở những cổ phiếu mà doanh nghiệp đang “vật lộn” một cách khó khăn, thậm chí gần như tuyệt vọng về sự tồn tại của mình. Điển hình, thị trường vẫn đánh lên SHN cho đến ngày vị Chủ tịch HĐQT công khai nguy kịch của công ty.
Tháng Tư, khi kết quả kinh doanh quý 1/2012 và một số thực tế được công bố, thị trường sẽ có đáp án về kỳ vọng, nhận định của mình. Kịch bản giả định có thể là:
Hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng nói chung vẫn tốt vì quý 1/2012 có độ chênh lớn giữa lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, một số ít ngân hàng không đạt hiệu quả vì trích lập dự phòng nợ xấu. Trong môi trường thắt chặt tiền tệ, nợ xấu ngân hàng thật ra sẽ cao, nhưng vấn đề là còn tiếp tục để ẩn nữa hay không. Những khoản nợ xấu từ vụ Huyền Như hay Thủy sản Bình An tới nay vẫn còn là ẩn số chính là một điển hình.
Đáp án về cổ phiếu chứng khoán sẽ là điều thú vị trên sàn. Nói chung, không ít thì nhiều, các CTCK đều mang lại hiệu quả từ hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán. Vấn đề là danh mục đầu tư niêm yết có tỷ lệ lớn cổ phiếu đầu cơ hay không, công ty có giữ cổ phiếu đến cuối quý hay đã bán từ trước khi giá lên. Ngoài ra, tỷ lệ giữa mức tăng giá cổ phiếu chứng khoán so với hiệu quả CTCK trong quý 1/2012 sẽ ra sao, đây sẽ là những thực nghiệm thú vị trên sàn.
Với cổ phiếu dầu khí, đa phần hiệu quả và rẻ, nhất là khối khai thác và dịch vụ dầu khí. Vì vậy, việc mặt bằng giá cổ phiếu tăng sẽ ít gặp phản hiệu ứng. Tuy nhiên cũng có khá nhiều đơn vị xây dựng và bất động sản trong ngành dầu khí. Những đơn vị này vẫn chịu ảnh hưởng chung của tình trạng “đóng băng bất động sản”, nên cần gom chung vào nhóm bất động sản trong nhận định.
Cổ phiếu penny có tỷ lệ tăng giá cao, mang lại tỷ suất lợi nhuận vượt kỳ vọng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số cổ phiếu sẽ mang lại rủi ro vào Tháng Tư mà nhà đầu tư cần cảnh giác. Đó là những cổ phiếu bị hủy niêm yết, bị đưa vào diện chờ BCTC năm được kiểm toán để bị hủy niêm yết nhưng vẫn được thị trường giữ giá trên 3 chấm. Không hiểu thị trường kỳ vọng gì ở cổ phiếu dạng này khi doanh nghiệp đã lỗ hơn 500 tỷ đồng năm 2011 chưa kiểm toán, điều mà có lẽ kiểm toán không thể đảo ngược kết quả được. Ngoài ra cũng có một số cổ phiếu penny đang có tỷ lệ nợ ngân hàng quá cao trên tổng tài sản, công ty đang ngập trong đống nợ nên viễn cảnh bế tắt đang dần hiện hữu.
Trước khi bàn đến bất động sản, có thể thấy một điều khá thú vị là cơn sóng Tháng Ba gần như đã lãng quên nhiều cổ phiếu làm ăn có hiệu quả, vốn đầu tư an toàn và giá thực sự rẻ trên thị trường. Phải chăng cơn sóng được nhận định từ giá giao dịch lịch sử của cổ phiếu, ở đó giá của những cổ phiếu này đã không giảm sâu khi thị trường đi xuống.
Cuối cùng, cơn sóng cổ phiếu bất động sản cũng khá mãnh liệt, cơn sóng này có lẽ được đúc kết từ bài học khi thị trường phục hồi vào năm 2009. Khi ấy, cổ phiếu chứng khoán và bất động sản tăng mạnh và dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa năm 2009 (chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ, thị trường bất động sản lên cơn sốt) và hiện nay (vẫn thắt chặt tiền tệ, thị trường bất động sản càng đóng băng trầm trọng).
Hiệu quả kinh doanh quý 1/2012 của các doanh nghiệp bất động sản có lẽ thấp hơn rõ rệt so năm 2011. Thị trường đang đánh lên cổ phiếu bất động sản trong khi các doanh nghiệp đang “ngắc ngoải” vì không bán được hàng, lãi vay ngân hàng chồng chất. Nhà đầu tư chưa thấy hết ảnh hưởng của lãi vay đến hiệu quả kinh doanh khi những khoản này đã được đưa vào chi phí sản phẩm dở dang.
Thị trường đã đánh lên trên 10 chấm một doanh nghiệp mà số lãi vay năm 2011 đã bằng với vốn chủ sở hữu; thị trường cũng hưng phấn với doanh nghiệp huy động được hơn ngàn tỷ mà trong khi số huy động khổng lồ này cũng chỉ giúp doanh nghiệp trả lãi vay hơn nửa năm với vốn vay đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Vấn đề mấu chốt của doanh nghiệp bất động sản là phải bán được hàng. Huy động thêm nhiều tiền mà không chuyển biến được thực trạng kinh doanh thì chỉ làm giá trị cổ phiếu giảm tương ứng.
Và thị trường cũng phấn khởi với thông tin đơn vị có hơn 30 ngàn tỷ đồng tổng tài sản mà chưa nhìn sâu hơn khi doanh thu năm chỉ hơn 2 ngàn tỷ đồng. Như vậy chẳng lẽ hàng chục năm doanh nghiệp mới quay nổi một vòng vốn hay sao? Đây là thực trạng đóng băng của thị trường và rủi ro vẫn còn ẩn mặt.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
Finfonet
|