Các CTCK vẫn còn lượng tiền lớn cho khách hàng vay
Đó là khẳng định của ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam.
Thưa ông, là nhà đầu tư chủ chốt trên thị trường trái phiếu, việc các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư tích cực tham gia thị trường này có tác động tiêu cực đến dòng tiền vào thị trường cổ phiếu hay không?
Chỉ thị 01/2012 của Ngân hàng Nhà nước đã tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường trái phiếu. Điều này được thể hiện rõ nét qua lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ liên tục giảm và giảm khá nhanh kể từ sau Tết âm lịch đến nay.
Lãi suất giảm không phải do sự áp đặt của cơ quan quản lý, mà do cung cầu của thị trường chi phối. Trong những phiên gần đây, tổng số lượng đăng ký tham gia đấu thầu so với lượng trái phiếu bán cao gấp 4 - 5 lần, cho thấy nhu cầu đầu tư vào trái phiếu đang khá lớn.
Việc các ngân hàng tích cực tham gia thị trường trái phiếu chủ yếu do tác động của Chỉ thị 01, bởi vừa giảm áp lực phải dự trữ tiền mặt, vừa giảm sức ép đối với cuộc đua lãi suất để huy động vốn. Trong khi đó, thống kê cho thấy, trên thị trường 1, các ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn khi cho vay. Điều này được thể hiện trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012, tăng trưởng tín dụng âm.
Mặt khác, trên thị trường 2, các ngân hàng lớn cũng khó cho ngân hàng nhỏ vay hơn, do nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chưa thanh toán các khoản nợ cũ. Những lý do này cộng với kỳ vọng lãi suất sẽ giảm rõ nét hơn và tỷ giá USD/VND có xu hướng khá ổn định, ít nhất trong vài 3 tháng tới, khiến lượng tiền đổ mạnh vào trái phiếu. Tuy nhiên, diễn biến này không hút mất tiền của kênh đầu tư vào cổ phiếu.
Ông có thể lý giải cụ thể hơn nhận định này?
Tiền ngân hàng mua trái phiếu chủ yếu là tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn, nên họ tranh thủ tham gia thị trường trái phiếu chính phủ. Chiến lược này vừa mang lại lợi nhuận hợp lý, vừa đảm bảo dự phòng thanh khoản tốt cho các ngân hàng.
Bởi vậy, khó có chuyện việc gia tăng giải ngân vào trái phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến room tín dụng vào các lĩnh vực không khuyến khích, trong đó có chứng khoán. Mặt khác, tại nhiều ngân hàng, “hạn ngạch” cho vay các lĩnh vực này đã hết.
Với rủi ro của thị trường hiện tại, đặc biệt là rủi ro từ sức khỏe tài chính của nhiều CTCK, số đơn vị này đủ tin cậy để ngân hàng giải ngân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi bản thân các CTCK cũng chưa có nhu cầu vay tín dụng.
Thực tế gần đây, tại một số CTCK lớn đã gia tăng cung cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng, trong đó chủ yếu là vốn của CTCK. Do tính chất thận trọng của cả hai phía, nên các CTCK này vẫn còn một lượng vốn đáng kể để sẵn sàng cho nhà đầu tư vay.
Trong bối cảnh rủng rỉnh vốn như vậy, CTCK ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu, nhất là khi lâu nay nhiều CTCK lớn là nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường trái phiếu, thưa ông?
Ngoài sự tham gia chủ yếu của các ngân hàng thương mại trong nước, đợt sôi động hiện tại trên thị trường trái phiếu có sự tham gia khá tích cực của các ngân hàng nước ngoài. Họ mua tự doanh ít, còn chủ yếu là mua cho khách hàng. Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng tham gia, nhưng số lượng ít hơn. Trong khi đó, sự tham gia của các CTCK không đáng kể và phần nhiều là đầu tư mang tính ngắn hạn.
Tùy chiến lược của các nhà đầu tư khác nhau mà họ quyết định giải ngân vào trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn hơn vào cổ phiếu hay ngược lại. Nhưng với tính chất đầu tư của các CTCK, thì trong bối cảnh hiện tại, họ nhận thấy đầu tư vào cổ phiếu “ngon ăn” hơn trái phiếu.
Thực tế, từ sau Tết âm lịch đến nay, giá nhiều cổ phiếu có mức tăng với tỷ lệ 10 - 20%, thậm chí một số cổ phiếu có mức giá tăng gấp đôi. Diễn biến này cộng với thanh khoản thị trường gần đây tiếp tục có xu hướng được cải thiện đang mang lợi cơ hội tự doanh khá tốt cho các CTCK.
Với các CTCK còn danh mục đầu tư nhiều, thì cùng với sự tăng điểm của thị trường sẽ có được một khoản hoàn nhập dự phòng đáng kể. Điều này cho thấy, còn một lượng tiền không nhỏ đang sẵn sàng tham gia thị trường.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|