Thứ Tư, 22/02/2012 09:42

Thành viên HĐQT Sacombank phải được NHNN chấp thuận

Về mặt pháp lý, nhóm cổ đông Eximbank có thể làm được những điều mà họ đề nghị trong công văn gửi HĐQT Sacombank (STB) hay không? Báo ĐTCK đã trao đổi với ông Trần Duy Cảnh, Luật sư điều hành Công ty Luật hợp danh Luật Việt xung quanh vấn đề này.

* Vụ giành quyền kiểm soát Sacombank: Hai bên vẫn căng

Thưa ông, Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) STB hiện tại có thể bị bãi nhiệm để bầu lại tại ĐHCĐ năm 2011 của STB hay không khi nhiệm kỳ của các thành viên này đến 2015 mới hết?

Về vấn đề này, cần phải khẳng định rằng, ngoài một số trường hợp theo quy định tại Điều 115.1 và Điều 127.1 Luật Doanh nghiệp (như không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên HĐQT/BKS; không tham gia các hoạt động của HĐQT/BKS trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng; có đơn xin từ chức và các trường hợp khác do Điều lệ quy định) thành viên HĐQT và BKS đều có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo quyết định của ĐHCĐ (theo Điều 115.2 và 127.2 Luật Doanh nghiệp).

Việc miễn nhiệm các thành viên HĐQT, BKS phải được báo cáo với Ngân hàng Nhà nước (Điều 36.3 Luật Các tổ chức tín dụng và Điều 24.5 Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại).

Nắm giữ 51% cổ phần STB, nhóm cổ đông do Eximbank làm đại diện có thể đề cử tối đa mấy thành viên vào HĐQT và trình tự thủ tục sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?

Trước hết, cần phải lưu ý rằng, việc kiến nghị đưa các nội dung khác vào chương trình họp ĐHCĐ là quyền của các cổ đông thuộc trường hợp quy định tại Điều 79.2 Luật Doanh nghiệp là cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ.

Hay nói rõ hơn là việc Eximbank, với tỷ lệ sở hữu cổ phần 9,73% vốn điều lệ và được sự ủy quyền bằng văn bản của nhóm cổ đông chiếm 51% vốn điều lệ (nếu có thật), có được quyền kiến nghị đưa các nội dung liên quan đến việc đề cử, bầu lại toàn bộ HĐQT và BKS vào chương trình cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên hay không phụ thuộc vào việc thời gian sở hữu cổ phần của Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank có trong 6 tháng liên tục hay không.

Xin lưu ý, Eximbank mới chính thức trở thành cổ đông vào tháng 1/2012. Như vậy, yếu tố quyết định sẽ thuộc vào thời gian nắm giữ cổ phần của các cổ đông còn lại. Đó là chưa kể đến việc được ủy quyền của nhóm cổ đông sở hữu 51% vốn điều lệ của Eximbank là rất mơ hồ khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông thay đổi liên tục trong một ngân hàng niêm yết như Sacombank.

Giả sử nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank là nhóm cổ đông thuộc trường hợp tại Điều 79.2 Luật Doanh Nghiệp đi chăng nữa thì đề nghị của Eximbank là một chuyện, còn việc ĐHCĐ có thông qua đề nghị đó hay không mới là điều quan trọng.

Nếu như đề nghị bãi nhiệm thành viên HĐQT và BKS được thông qua thì mới xét đến việc bầu bổ sung các vị trí khuyết. Khi đó, lại nói đến câu chuyện quyền đề cử và quyền bầu/biểu quyết để thông qua việc đề cử, mà hai quyền này vốn dĩ là tách biệt nhau.

Xét về quyền đề cử, số lượng thành viên HĐQT và BKS được Eximbank đề cử còn tùy vào tỷ lệ cổ phần mà các cổ đông nắm giữ cổ phần liên tục trong ít nhất 6 tháng sở hữu. Ví dụ, với tỷ lệ sở hữu từ 50% đến dưới 60% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, Eximbank được đề cử tối đa năm ứng cử viên theo Điều 20.3.(đ) Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Còn xét về quyền biểu quyết, các cổ đông phổ thông có quyền biểu quyết như nhau. Các thành viên HĐQT và BKS do Eximbank đề cử sẽ chỉ được chính thức trở thành thành viên HĐQT và BKS nếu được ĐHCĐ thông qua với tỷ lệ cổ phần biểu quyết do Điều lệ Sacombank quy định.

Một vấn đề quan trọng khác cần lưu ý là danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, thành viên BKS của Sacombank phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này theo quy định tại Điều 51 Luật Các tổ chức tín dụng.

Nếu nhóm cổ đông Eximbank đại diện đưa được người của mình vào chiếm 2/3 thành viên HĐQT hiện có 7 người thì họ có thể bầu ngay một Chủ tịch HĐQT mới không, thưa ông?

Một nguyên tắc cơ bản của Luật Doanh nghiệp là cơ quan nào có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm một chức danh nhất định thì cơ quan đó sẽ có thẩm quyền miễn nhiệm chức danh đó. Chức danh Chủ tịch HĐQT cũng không phải là một ngoại lệ. HĐQT của Sacombank sẽ được quyền bầu Chủ tịch mới (căn cứ vào Điều 52.5 Điều lệ Sacombank, việc bầu và miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT thuộc thẩm quyền của HĐQT).

Nếu 2/3 thành viên HĐQT mới là người do Eximbank đề cử thì có thể nói rằng bộ máy quản lý của Sacombank gần như được cải tổ toàn bộ. Khi đó con thuyền Sacombank cần một thuyền trưởng mới cũng là điều dễ hiểu. Việc bầu Chủ tịch mới có thể được HĐQT (mới) tiến hành khi thấy cần thiết theo quy định tại Điều lệ Sacombank, Luật Doanh Nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản liên quan. Việc miễn nhiệm Chủ tịch Thành sẽ phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

Thu Hương thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 22/02: Xu thế điều chỉnh là tất yếu (21/02/2012)

>   Manulife: Chứng khoán Việt Nam có thể tăng 25% năm 2012 (21/02/2012)

>   Góc nhìn 21/02: “Vào hàng” nếu phân phối không quá lớn (20/02/2012)

>   Góc nhìn 20 – 24/02: Nên thận trọng và bán cổ phiếu? (19/02/2012)

>   “Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi trong hai năm tới” (17/02/2012)

>   Góc nhìn ngày 17/02: Vẫn là thận trọng (16/02/2012)

>   TS Alan T.Pham: “Muốn hỗ trợ TTCK, cần nới tỷ lệ tín dụng” (16/02/2012)

>   Lãi suất khi nào giảm, chứng khoán bao giờ tăng? (15/02/2012)

>   Góc nhìn ngày 16/02: Sẽ tăng áp lực bán tháo? (15/02/2012)

>   “Chốt 51%, DN sẽ thua khi vướng kiện cáo” (15/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật