Lãi suất khi nào giảm, chứng khoán bao giờ tăng?
"Nếu NHNN hạ lãi suất tại thời điểm này thì TTCK có thể hưng phấn nhẹ trong ngắn hạn, chứ khó có đợt tăng mạnh".
Đó là quan điểm của ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về kỳ vọng TTCK sẽ tăng mạnh khi NHNN hạ trần lãi suất huy động vốn.
Một trong những vấn đề NĐT đang quan tâm là hạ lãi suất tín dụng của NHNN. Theo ông, việc hạ trần lãi suất huy động ở thời điểm này đòi hỏi những điều kiện gì?
Lãi suất thấp là sự đòi hỏi cấp thiết nhất trong tình hình hiện nay, nhất là đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hạ lãi suất, cần hội tụ 2 yếu tố cơ bản là kỳ vọng lạm phát và cung tiền. Thời gian tới, lạm phát sẽ “dễ thở” hơn do các nguyên nhân gây tiếp tục lạm phát không nhiều. Dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ từ hơn 1 năm nay, sức cầu trong nền kinh tế đã rất thấp. Tháng Tết vừa qua, tỷ lệ lạm phát không cao nên có thể dự báo về khả năng tiếp tục giảm lạm phát trong thời gian tới và lạm phát năm sẽ giảm nhanh. Các tín hiệu về lạm phát sẽ là điều kiện thuận lợi để khiến kỳ vọng về lãi suất của người dân giảm xuống và cũng là điều kiện để các cơ quan chính sách có thể tăng cung tiền trực tiếp làm hạ lãi suất.
Tuy nhiên, việc có hạ nhanh lãi suất được hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng có bơm được tiền một cách dễ dàng vào nền kinh tế hay không. Đó chính là vấn đề thanh khoản. Nói cách khác, vấn đề hạ lãi suất sẽ phụ thuộc vào việc thanh khoản các ngân hàng trong năm 2012 có được giải quyết hay không, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Thanh khoản ngân hàng là một vấn đề lớn đối với NHNN trong năm 2012. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề thanh khoản thì phải giải quyết được vấn đề nợ xấu. Tại thời điểm hiện nay, một vấn đề khá quan ngại đối với nợ xấu khi nhiều ngân hàng cho vay bất động sản. Khi thị trường BĐS chưa có tín hiệu phục hồi thì hy vọng về giải quyết nợ xấu BĐS còn là một chặng đường khá dài.
Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN không nên áp dụng trần lãi suất huy động mà áp trần lãi suất cho vay. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nếu tình hình thanh khoản của các ngân hàng không được cải thiện, đặc biệt là từ phía các ngân hàng nhỏ, thì NHNN có thể sẽ cân nhắc việc bỏ trần lãi suất huy động. Tác động của việc bỏ trần này là lãi suất có thể tăng cao để phản ánh đúng tình hình thị trường. Nhưng sau đó, vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ được giải quyết thì lãi suất mới có cơ hội giảm. Việc tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động 14%, hay hạ lai suất sẽ rất khó khả thi và mang tính ý chí nhiều hơn thực tiễn.
Theo dự báo của ông, thời điểm nào là chín muồi để NHNN có thể hạ trần lãi suất?
Vấn đề hạ lãi suất sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa, khi thanh khoản ngân hàng cũng cần thời gian để cải thiện. Trong nửa đầu năm 2012, tình hình thanh khoản của các ngân hàng dự báo còn nhiều khó khăn. Hạ trần lãi suất sẽ đồng nghĩa với việc lượng tiền gửi từ dân cư thấp hơn nữa và thanh khoản các ngân hàng sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Các chính sách liên quan trong thời gian tới về tiền tệ được dự báo sẽ tập trung chủ yếu vào việc giải quyết thanh khoản. NHNN có thể sẽ bơm vốn một cách thận trọng cho hệ thống NHTM thông qua hình thức tái cấp vốn. Linh hoạt điều hòa vốn từ các ngân hàng thừa vốn sang các ngân hàng thiếu vốn, có thể thực hiện bằng việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thừa vốn và giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thiếu vốn.
Nếu hạ trên lãi suất huy động của các ngân hàng , theo ông, TTCK có hy vọng khởi sắc?
Các thị trường tài sản, trong đó có TTCK, có thể có hy vọng hơn vào quãng thời gian cuối năm 2012, khi vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết. Theo tôi, nếu Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tại thời điểm này, thì TTCK có thể hưng phấn nhẹ trong ngắn hạn, chứ khó có đợt tăng mạnh. Bởi lẽ, nếu vấn đề thanh khoản chưa được giải quyết, việc hạ lãi suất sẽ tạo ra sự trầm trọng hơn. Đằng sau động thái này của NHNN, việc hạ trần lãi suất huy động có thể mang ý nghĩ đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hơn.
Mặc dù trần lãi suất huy động được hạ thì lãi suất cho vay có thể vẫn ở mức cao. Do đó, các doanh nghiệp khó được hưởng lợi. Về phía người dân, việc hạ lãi suất huy động có thể khiến họ rút tiền khỏi ngân hàng, và dòng tiền này có thể chảy vào chứng khoán. Nhưng theo tôi thì dòng tiền này không tác động nhiều đến TTCK hiện nay.
Quang Sơn thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|