Thắt chặt tín dụng... tốt cho TTCK
Một TTCK lành mạnh phải có thanh khoản duy trì bởi dòng tiền dài hạn và cam kết lâu dài vào chứng khoán, chứ không phải từ những dòng tiền đến và đi dễ dàng.
Ngày 13/2, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN định hướng các hoạt động thuộc chính sách tiền tệ và bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, trong đó có đề cập đến tốc độ tăng trưởng tín dụng tối đa của 4 nhóm ngân hàng và đặt mục tiêu giữ tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích trên tổng dư nợ không quá 16%.
Tín dụng ngân hàng với chứng khoán
Có ý kiến cho rằng, lĩnh vực chứng khoán nằm trong nhóm không khuyến khích cho vay là “phớt lờ”, “không cứu” ngành chứng khoán, trong khi đây cũng là một thị trường huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần suy nghĩ thận trọng hơn khi cho rằng, vì TTCK là một trong những thị trường vốn cho nền kinh tế nên phải “cứu” bằng cách bơm tín dụng.
Thực tế, việc bơm tín dụng thời gian trước trên TTCK là nhắm vào các hoạt động hỗ trợ giao dịch chứng khoán, là một dạng sử dụng đòn bẩy tương tự như các tài khoản bảo chứng (margin account) để mua bán kiếm lời, chủ yếu nhắm vào các hoạt động trên thị trường thứ cấp. Nguồn tín dụng này có thể tạo thêm thanh khoản cho thị trường, nhưng nó cũng góp phần biến một số lượng NĐT trên TTCK trở thành các quỹ đầu cơ tự tạo với đòn bẩy tài chính lớn và do đó đẩy thị trường tới trước rủi ro bị đột ngột “cắt cụt” thanh khoản nguồn tài trợ. Điều đó khiến thanh khoản toàn thị trường phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn vay này và một sự hãm phanh đột ngột của chính sách tiền tệ làm cho thanh khoản nguồn tài trợ cạn kiệt, dẫn đến giá chứng khoán và thanh khoản thị trường giảm mạnh.
Rõ ràng, duy trì một thị trường mà thanh khoản phụ thuộc quá lớn vào tín dụng là một điều cần phải tránh trong tương lai. Một TTCK lành mạnh phải có thanh khoản duy trì bởi dòng tiền dài hạn và cam kết lâu dài vào chứng khoán, chứ không phải từ những dòng tiền đến và đi dễ dàng với những thay đổi nhỏ trong dòng tín dụng ngắn hạn của chính sách tiền tệ hay dòng vốn nóng nước ngoài.
Mặt khác, tín dụng chứng khoán không phải là một sự đóng góp đáng hoan nghênh cho thị trường vốn sơ cấp. Nếu các NĐT vay tiền từ ngân hàng để mua cổ phiếu mới phát hành và nắm giữ lâu dài, nghĩa là chúng ta đang “nợ hóa” dòng vốn tài trợ dài hạn cho các DN và tạo điều kiện cho những hoạt động đẩy giá ngắn hạn trong những đợt phát hành mới. Thay vì như vậy, tập trung phát triển một thị trường trái phiếu DN lành mạnh sẽ có ích hơn.
TTCK phải đứng được trên chân của mình: tính thanh khoản, sự thành công của các đợt huy động vốn phải duy trì bằng nguồn vốn ổn định; NĐT chuyên tâm đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Nguồn vốn cho TTCK không phải từ những nguồn vốn “đánh du kích” từ thị trường bất động sản, vàng và ngoại tệ chuyển sang, càng không phải từ vốn vay ngân hàng hay vốn ngắn hạn nước ngoài có thể bị “cắt cụt” bất cứ lúc nào.
Về mặt thực tế, bơm vốn tín dụng vào TTCK lúc này liệu có thể giúp thị trường khởi sắc khi lãi suất cho vay cao, bất ổn về kinh tế vĩ mô lẫn hoạt động kinh doanh của DN còn nhiều, ngân hàng đang nhìn thấy những bất định lớn đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán…? Nếu tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng vào chứng khoán mà không chắc giúp gì đáng kể cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết lẫn NĐT, thì đòi tăng hạn mức chẳng qua chỉ là động thái “ganh tị”.
Những mong đợi từ Chỉ thị 01
Đó là thiết lập lại sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất về mức chấp nhận được cho các DN. Việc phân loại các ngân hàng cho thấy những bước đi đúng trong việc siết lại hoạt động quản trị rủi ro của các ngân hàng. Trong năm 2011, tình trạng nợ xấu và thanh khoản kém ở một số ngân hàng được nhiều chuyên gia cho là có sự tiếp tay của những hoạt động kinh doanh kiểu “làm liều” của chính ngân hàng đó và sự buông lỏng trong giám sát rủi ro của NHNN.
Về mặt quản trị rủi ro và những tồn tại trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vừa qua, có thể nhìn nhận giống như Henry Petroski đã từng nhận xét “…Thất bại là không thể tránh khỏi sau một loạt thành công, những thứ dẫn đến việc người ta hạ thấp các giới hạn an toàn. Thất bại, bản thân nó lại dẫn đến những giới hạn an toàn cao hơn và do đó dẫn đến một giai đoạn của những thành công mới”.
Hiện tại, NHNN đang chuẩn bị cho một giai đoạn mới bằng cách siết lại những chuẩn mực an toàn, bắt đầu bằng việc rà soát lại và phân nhóm các NHTM. Chúng ta có thể mong đợi các ngân hàng được phân loại vào nhóm 1, nhóm chất lượng tốt, có thể dẫn dòng vốn tín dụng vào đúng các DN tốt cần vốn để tạo ra động lực tăng trưởng mới, đồng thời cắt đi những khoản cho vay “độc hại” của các ngân hàng thuộc nhóm 4. Ngoài ra, khi các yếu tố bên ngoài thuận lợi để lạm phát giảm xuống một con số trong năm nay, thì lãi suất cho vay có thể giảm về mức độ chấp nhận được. Khi đó, những con số về vĩ mô và hoạt động kinh doanh của DN sẽ củng cố niềm tin của NĐT. Đó mới là sự hỗ trợ cần thiết với TTCK lúc này.
Tuy nhiên, nếu siết hoạt động quản trị rủi ro và giám sát tại những NHTM, bắt đầu bằng hành động phân loại ngân hàng để phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa, một hình thức tương tự kiểu xếp hạng tín nhiệm hay thanh tra độ an toàn (stress test) ở các nước trong thời gian qua để biết ngân hàng nào cần tăng thêm vốn và đặt vào tầm kiểm soát, mà không công bố tên các ngân hàng ở các nhóm khác nhau, thì các ngân hàng có thể sẽ không tích cực cải tổ.
Mặt khác, các chỉ tiêu để xếp hạng ngân hàng đã phản ánh được độ an toàn vốn và chất lượng tài sản của từng ngân hàng hay chưa? Liệu có ngân hàng nào “lách qua khung cửa hẹp” hay không?
Vì vậy, công bố danh sách đầy đủ các NHTM để NĐT và giới quan sát đánh giá chất lượng thật sự của hệ thống ngân hàng, cũng như có những cảnh báo và phản biện cần thiết. NHNN có thể e ngại việc công bố cụ thể tên các ngân hàng khiến những ngân hàng nhóm 4 lâm vào tình trạng bị người dân rút tiền, nhưng thiết nghĩ sẽ có những giải pháp khống chế tình trạng này bằng việc bơm thanh khoản từ NHNN và những cam kết của bảo hiểm tiền gửi. Ở khía cạnh nào đó, minh bạch thông tin mới thật sự là giải pháp để thiết lập niềm tin thật sự vào các giải pháp của NHNN.
Hồ Quốc Tuấn
đầu tư chứng khoán
|