Vì sao tiền đồng có dấu hiệu lên giá?
Chính sách được thông báo trước và đã có thời gian chứng tỏ là nhất quán, cộng với các biện pháp chống đô la hóa khá quyết liệt đã dập bớt kỳ vọng tăng tỷ giá.
Nguyên nhân mất giá của đồng Việt Nam kể từ năm 2008 đến quí 4-2011 được giải thích bởi thâm hụt cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối thấp; lạm phát cao, sự lỏng lẻo của chính sách tài chính; thiếu niềm tin vào chính sách. Nguyên nhân của dấu hiệu tiền đồng lên giá trong thời gian gần đây (giá mua đô la Mỹ và giá bán phổ biến của các ngân hàng thương mại thời điểm này chỉ ở mức 20.750 đồng và 20.850 đồng) được cho là nhờ giảm nhập siêu, kiều hồi về nhiều, tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... Nhưng nguyên nhân sâu xa, căn bản của việc tiền đồng lên giá chưa được đánh giá đầy đủ.
Giảm nhu cầu đô la Mỹ để nhập khẩu tư liệu sản xuất
Nhập siêu giảm là yếu tố căn bản để giảm nhu cầu đô la Mỹ. Theo dõi kết quả nhập siêu qua các năm, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, cho thấy khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu đang thu hẹp lại. Nhập siêu hàng hóa năm 2011 ước tính 9,5 tỉ đô la Mỹ, là mức thấp nhất trong vòng năm năm qua và là năm có tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2002.
Giảm nhập siêu là một tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế, nhưng sự sụt giảm liên tục trong bối cảnh nhiều năm qua nhóm tư liệu sản xuất luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhập khẩu (năm 2011 chiếm 90,6%) là một điều cần phải lưu tâm. Theo Tổng cục Thống kê, tháng đầu tiên của năm nay giảm nhập khẩu mạnh nhất là nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 86,2%; bông giảm 56%; dầu mỡ động thực vật giảm 51,8%; kim loại thường khác giảm 53,5%; vải giảm 30,9%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 20,6%. Như vậy có thể thấy nhu cầu đô la Mỹ cho nhập khẩu từ nửa cuối năm 2011 đến nay đã giảm mạnh. Không còn tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu chầu chực, đôn đáo chạy đi mua đô la như những năm trước. Có thể nói sản xuất đình đốn, co cụm của các doanh nghiệp trong nước là nguyên nhân sâu xa của cầu đô la giảm, do đó tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ cũng dần sụt giảm.
Không còn kỳ vọng tỷ giá đột biến
Có lẽ điều thành công nhất trong thời gian gần đây của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là giữ được tỷ giá theo tuyên bố. Ngày 7-9-2011, ông Bình tuyên bố điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đến cuối năm (2011) không quá 1%. Thực tế, cho đến những ngày cuối năm 2011, NHNN đã giữ được cam kết. Điều này bước đầu đã tạo niềm tin cho thị trường. Tiếp đó đầu năm 2012, ông Bình nói nếu không có những tác động bất thường (cả trong và ngoài nước) ảnh hưởng đến kinh tế thì tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ năm 2012 biến động không quá 3%.
Lời tuyên bố của ông Bình được những yếu tố khách quan hỗ trợ (kiều hối về nhiều, giảm nhập siêu, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng vẫn ở mức cao... Những yếu tố này chắc người đứng đầu NHNN với các số liệu thống kê đã nắm chắc), cộng với những động thái điều hành ngoại hối (chủ quan của NHNN mà bên ngoài khó có thể biết) khiến cho kỳ vọng tăng tỷ giá của doanh nghiệp, dân cư và các nhà đầu tư giảm mạnh. Trong hai tuần vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp và người dân đi bán đô la Mỹ cho các ngân hàng thương mại. Giá mua ngoại tệ của ngân hàng giảm dần từ 20.930 đồng xuống 20.750 đồng/đô la vào cuối tuần trước. Dù giảm mạnh nhưng vẫn có nhiều người dân bán ngoại tệ lấy tiền đồng gửi các ngân hàng có mức lãi suất cao hơn 14%/năm. Dập kỳ vọng tăng tỷ giá là nguyên nhân thứ hai khiến tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ chính thức và tự do giảm khá mạnh trong mấy tuần gần đây.
Kiều hối về chuyển sang tiền đồng
Kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2011 và dịp Tết Nhâm Thìn 2012 (riêng năm 2011 ước đạt 9 tỉ đô la) là một nguồn cung ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Những năm trước đây khi tỷ giá thị trường tự do cao hơn tỷ giá ngân hàng, việc quản lý thị trường còn chưa nghiêm, kiều hối bán cho ngân hàng rất ít. Nay tỷ giá thị trường tự do chỉ bằng, thậm chí có thời điểm thấp hơn, cộng với mức phạt rất cao 300-500 triệu đồng khiến người nhận kiều hối chủ yếu bán cho ngân hàng rồi gửi tiết kiệm bằng tiền đồng (ít đầu tư vào bất động sản như những năm 2009, 2010). Lãi suất gửi tiền đồng vẫn ở mức cao là một trong những nguyên nhân thu hút nguồn kiều hối.
Tỷ giá bao giờ điều chỉnh?
Một điều chắc chắn là tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ không thể ở mức như hiện nay. Mức tỷ giá này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, về lâu dài không tốt cho hoạt động xuất khẩu. Đã có ý kiến bình luận để mức tỷ giá như hiện nay là “con dao hai lưỡi”. Tuy nhiên, nếu có điều chỉnh thì mức tăng tỷ giá của năm nay cơ bản sẽ ở mức biến động 3% mà ông Nguyễn Văn Bình tuyên bố. Với những yếu tố như đã đề cập ở trên, dư địa để NHNN chủ động điều hành tỷ giá rộng hơn các năm trước. Sự điều hành tỷ giá trong thời gian tới sẽ đồng bộ với việc kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất tiền đồng.
Cuối năm 2011. Ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, dự báo tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ của Việt Nam sẽ đạt mức 21.400 đồng/đô la Mỹ trong quí 1-2013 và vào quí 3 cùng năm sẽ đạt mức 22.000 đồng. Nếu dự đoán này là đúng thì có thể cuối quí 1-2012, NHNN sẽ đi bước đầu tiên trong lộ trình điều chỉnh tỷ giá của năm. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng không gây sốc cho thị trường vì bước điều chỉnh ngắn. Ngay tại thời điểm này, dù dự đoán có sự điều chỉnh tỷ giá thì khi đặt tương quan so sánh với lợi nhuận thu được từ việc gửi tiền đồng trong ngân hàng, nhiều người vẫn quyết định bán đô la Mỹ để chuyển sang tiền đồng.
Việt Nguyễn
TBKTSG
|