Thứ Sáu, 24/02/2012 10:27

Thị trường vàng: “Cuộc chơi” của các ngân hàng?

Sau hàng loạt chính sách đã, đang, và sẽ ban hành, có vẻ như thị trường vàng không còn là “cuộc chơi” của các DN sản xuất kinh doanh vàng mà là cuộc chơi của các ngân hàng?

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cả nước hiện có khoảng 12.000 DN đang kinh doanh vàng được hình thành vì sự phát triển tự nhiên của thị trường và vì nhu cầu giao dịch của người dân. Tuy nhiên “cuộc chơi” có vẻ không dành cho số đông.

“Châu chấu đá voi”

Một chủ DN kinh doanh vàng ngán ngẩm nói: “Nếu đem so sánh tiềm lực của một DN kinh doanh vàng với tiềm lực của một ngân hàng chẳng khác nào châu chấu đá voi  và đương nhiên sẽ rất khó để cạnh tranh”.

Trở lại với dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng mà NHNN  trình Chính phủ hồi cuối tháng 11/2011, thay Nghị định số 174/1999/NĐ-CP dự kiến, có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2011 nhưng đến bây giờ vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ai cũng ngầm hiểu rằng với những quy định trong dự thảo Nghị định thì rõ ràng các ngân hàng sẽ chiếm ưu thế vượt trội trong cuộc đua giành thị phần. Nhưng sự vội vã, tính toán thiếu cơ sở và gần như đánh đố khiến cho dự thảo Nghị định này lỗi thời ngay khi vừa trình Chính phủ bởi chỉ sau đó không lâu, tại diễn đàn Quốc hội, ngày 25/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN. Tuyên bố này cũng đã để lại không ít hệ lụy cho các DN sản xuất vàng miếng trước đây.

Mới đây nhất, NHNN cho biết sẽ xây dựng đề án huy động vàng trong dân. Theo Thống đốc  NHNN, trong đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD, hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các TCTD.

Như vậy với sự cho phép của NHNN rất có thể nhóm 7+1 (Eximbank, ACB, DongA Bank, Techcombank, Sacombank Phương Nam, Việt Á và SJC) sẽ được mua và bán vàng huy động ra cho dân theo giá niêm yết của Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Sự tham gia ngày càng nhiều và càng sâu của các ngân hàng vào thị trường vàng là điều dễ hiểu bởi đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời rất cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là NHNN có nên tiếp tục để cho thị trường vàng bị “chia năm sẻ bảy” cho các ngân hàng? .

Kinh nghiệm tương đồng

Ấn Độ và Trung Quốc (những nước có điều kiện tương đối tương đồng với VN và là hai thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới) trong những năm gần đây đã cho thấy sự linh hoạt trong việc “ứng xử” với thị trường vàng.

Năm 1962, Chính phủ Ấn Độ ban hành một đạo luật hạn chế dân chúng sử dụng vàng và tập trung vàng vào NHTƯ.  Trong đó có việc NHNN độc quyền xuất và nhập khẩu vàng. Thông qua việc phát hành trái phiếu vàng, chỉ trong vòng 3 năm 1962- 1965, Chính phủ Ấn Độ đã huy động được xấp xỉ 20 tấn vàng. Tuy nhiên do bộc lộ nhiều khuyết điểm nên dân chúng tiếp tục giữ vàng như là tài sản tiết kiệm và nhà nước huy động được rất ít. Trước tình hình đó, vào đầu thập niên 90 của của thế kỷ trước, Ấn Độ đã phải bãi bỏ đạo luật kiểm soát vàng trước đó. Năm 1997, Ủy ban về tài khoản vốn của chính phủ Ấn Độ đã xây dựng một chính sách toàn diện để giải phóng thị trường vàng. Theo đó, các NHTM được cấp giấy phép tham gia hoạt động xuất- nhập khẩu vàng. Đến đầu năm 1999 NHTW Ấn Độ cho phép các NHTM được phép huy động tiền gửi đảm bảo bằng vàng; các sổ tiết kiệm vàng này được phép giao dịch trên thị trường thứ cấp. Sau năm 2000, Ấn Độ đã phát triển các thị trường phái sinh và kỳ hạn liên quan đến vàng. Nhờ những chính sách giải phóng thị trường vàng mà Ấn Độ đã giải phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào đầu tư phát triển kinh tế. Tỉ giá USD/INR đươc duy trì ổn định từ năm 2000 đến nay.

Một quốc gia tiêu thụ vàng lớn khác là Trung Quốc. Năm 1983, Trung Quốc đã ban hành “Pháp lệnh quản lý vàng, bạc” theo đó thị trường vàng bị kiểm soát chặt chẽ bởi NHTƯ. Theo đó NHTƯ là đơn vị duy nhất được thực hiện mua bán vàng tinh chế từ các Cty khai thác và bán cho các Cty vàng bạc, đá quý. Cty vàng, bạc bán vàng ra thị trường dưới hình thức vàng trang sức nhưng không được phép mua lại từ dân. Người dân muốn mua bán vàng phải ra chi nhánh NHTƯ và giá cả do NHTƯ quyết định. Tuy nhiên do giá  mà NHTƯ quy định thường thấp hơn nhiều so với giá vàng bán ra nên hình thành thị trường vàng ngầm trong dân phát sinh nhiều tiêu cực làm méo mó thị trường. Vì vậy Trung Quốc đã phải điều chỉnh.

Năm 2002, Trung Quốc bỏ đạo luật cấm dân chúng dự trữ, tích trữ vàng miếng và cho phép cá nhân được tham gia giao dịch vàng miếng. Đồng thời. NHTƯ Trung Quốc cũng xóa bỏ cơ chế niêm yết giá cho các giao dịch cụ thể thay vào đó các Cty vàng bạc được phép mua bán với người dân. Từ đó đến nay Trung Quốc liên tục có những chính sách đổi mới trong quản lý thị trường vàng theo thông lệ quốc tế. Tháng 12/2006 NHTƯ Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư cá nhân được phép tham gia giao dịch vàng miếng trên Sở giao dịch vàng và cho phép SGE được phép cung cấp hình thức kinh doanh vàng trên tài khoản. Tháng 8/2010. Chính phủ Trung Quốc tiếp tục nới lỏng những quy định trong đầu tư mua bán vàng đối với các tổ chức và cá nhân. Nhiều ngân hàng được phép xuất nhập khẩu vàng, mở cửa thị trường vàng cho các tổ chức các nhân đồng thời chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ các NHTM xây dựng quy chế để huy động vốn bằng vàng trong dân cư.

Giải pháp của mọi giải pháp?

Rất nhiều giải pháp đã được NHNN đưa ra nhưng mục đích cuối cùng là quản lý tốt thị trường vàng vẫn chưa thành hiện thực.

Theo nhiều chuyên gia, sau khi đã thâu tóm thương hiệu vàng miếng SJC, NHNN nên mạnh tay thâu tóm thị trường vàng về một đầu mối bằng cách thành lập TCty vàng VN hoặc Ngân hàng vàng VN trực thuộc NHNN VN. Như vậy vừa dễ quản lý, thống nhất giá vừa tránh được tình trạng xin cho, cũng như phát sinh các tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Chủ tịch HĐQT Cty vàng Agribank: Việc thành lập Tổng Cty vàng VN trực thuộc NHNN, thứ nhất sẽ quản lý được tốt hơn thị trường vàng, hạn chế được tình trạng lũng đoạn thị trường và thao túng giá; Thứ hai người dân có thể chọn nhiều hình thức như nhận vàng vật chất hay nhận chứng chỉ vàng hoặc vàng trên tài khoản, hạn chế được gánh nặng ngoại tệ dùng cho nhập khẩu vàng; Thứ ba sẽ giúp NHNN huy động và sử dụng nguồn vốn bằng vàng rất lớn đang tích trữ trong dân; Thứ tư đây sẽ là cơ quan xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về loại vàng, chất lượng vàng; Thứ năm sẽ tạo thêm kênh đầu tư giúp lưu chuyển dòng vốn trong xã hội tốt hơn thông qua việc tổ chức cho nhà đầu tư kinh doanh vàng trên tài khoản…

Thực ra ý tưởng về việc tập trung thị trường vàng vào một đầu mối không phải đến bây giờ mới có. Tháng 3/2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cũng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm thiết lập lại thị trường vàng.

Xa hơn nữa, ngay từ năm 2005, Hiệp hội kinh doanh vàng VN  cũng đã đề xuất thành lập hai trung tâm giao dịch vàng từ trước khi có các sàn giao dịch vàng phát triển. Các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia mua bán, trao đổi vàng qua trung tâm này. Mục tiêu cho ra đời hai trung tâm giao dịch vàng nhằm kiểm soát lượng vàng giao dịch và theo dõi giá cả trên thị trường, góp phần bình ổn giá vàng trên thị trường VN và là đầu mối của các hoạt động giao dịch vàng trên thị trường theo cơ chế thỏa thuận giá. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau đến bây giờ đó vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy.

Muốn quản lý tốt thị trường vàng thì phải tập trung  về một đầu mối và tổ chức lại là điều đã được nhiều người, nhiều tổ chức nhìn thấy thậm chí khẳng định đây là giải pháp của mọi giải pháp.

Phan Nam

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   CEO E&Y: ‘Việt Nam thiếu ngân hàng cột trụ quốc gia’ (24/02/2012)

>   Ngân hàng ngoại mong được cởi trói tín dụng (24/02/2012)

>   Lãi suất huy động vàng lại lên 4%/năm (24/02/2012)

>   Thanh khoản ngân hàng nguy hiểm hơn lạm phát (24/02/2012)

>   Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất (23/02/2012)

>   Ngân hàng nước ngoài chờ phân hạng (23/02/2012)

>   Tổng Giám đốc OCB: Xu hướng giảm lãi suất là chắc chắn (23/02/2012)

>   Từ việc xếp hạng ngân hàng: Cơ hội giảm lãi suất (23/02/2012)

>   Sẽ thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (23/02/2012)

>   Hạn chế tín dụng cho vay qua thẻ, nhiều ngân hàng “bối rối” (23/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật