Tổng Giám đốc OCB: Xu hướng giảm lãi suất là chắc chắn
Đến thời điểm này, các NHTM đã bắt đầu nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 của NHNN. Vấn đề được quan tâm là trên cơ sở chỉ tiêu ấy các NHTM sẽ ưu tiên đổ vốn vào lĩnh vực gì để an toàn và đem lại hiệu quả cao.
Chúng tôi đã trao đổi với Ông TRỊNH VĂN TUẤN (ảnh) - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), xoay quanh vấn đề này.
- Thưa ông, trong năm nay kế hoạch tăng trưởng tín dụng của OCB như thế nào?
Ông TRỊNH VĂN TUẤN: - OCB nhận được công văn NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là 15% (có nghĩa OCB được xếp vào nhóm 2 trong 4 nhóm phân loại sức khỏe của ngân hàng). Theo tôi, OCB đủ khả năng để được xếp vào nhóm 1 nhưng có thể thấy nhóm 2 cũng là nhóm chấp nhận được, hy vọng thời gian tới OCB sẽ phấn đấu vào nhóm 1.
Trong năm nay trước dự đoán là rất khó khăn, kế hoạch để tăng trưởng tín dụng của OCB cũng đặt ra vừa phải. Ban đầu OCB định hướng đưa ra một kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% nhưng với chỉ tiêu 15% thì OCB sẽ điều chỉnh kế hoạch lại.
Bản thân OCB cũng như các NHTM khác sẽ thực hiện theo chỉ đạo của NHNN là trước hết phải tập trung vốn vay vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không tập trung vào lĩnh vực phi sản xuất.
Về phân khúc khách hàng OCB sẽ tập trung khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn, trong đó dành nhiều cho sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Tỷ trọng cho vay cá nhân (cho vay tiêu dùng thiết yếu, cho vay mua nhà để ở, chứng khoán..) sẽ ít hơn.
- Nhưng khi tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh tất yếu ngân hàng sẽ khó kiếm biên lợi nhuận cao vì cạnh tranh về lãi suất với các NHTM. Vậy, lợi thế của OCB như thế nào ở lĩnh vực tín dụng này?
- OCB đã có bề dày nhiều năm trên thị trường tài chính và cũng có một lượng cơ sở khách hàng tương đối lớn. Vì vậy, mức độ tăng trưởng trước hết là phục vụ cho khách hàng hiện hữu.
Bởi vì họ là những khách hàng truyền thống và là những khách hàng tốt, họ đã gắn bó với ngân hàng rất nhiều năm. Nên với tăng trưởng tín dụng trước hết chúng tôi sẽ ưu tiên để họ mở rộng sản xuất kinh doanh và một phần tín dụng còn lại sẽ dành cho khách hàng mới nhưng vẫn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
- Hiện nay một số NHTM lớn đã công bố giảm lãi suất cho vay. Theo ông, xu hướng này có thể diễn ra mạnh mẽ và OCB có kế hoạch gì trong việc kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp?
- Xu hướng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay là chắc chắn. Bởi vì không thể để doanh nghiệp vay với lãi suất quá cao được, điều đó rất bất lợi cho doanh nghiệp và cũng không tốt cho hoạt động tài chính ngân hàng. Vì vậy, việc giảm lãi suất cũng là điều hầu hết các thành phần kinh tế mong muốn.
Tôi hy vọng sau khi sắp xếp lại 4 nhóm NHTM, NHNN sẽ có những quyết sách phù hợp để “khoanh vùng” những ngân hàng thực sự yếu kém, để họ khỏi chạy đua lãi suất và để các NHTM lành mạnh hoạt động theo cơ chế thị trường. Khi đó lãi suất sẽ giảm xuống rất lớn.
Hiện tại OCB cũng đang điều chỉnh giảm dần lãi suất. Cũng chưa thể giảm nhanh được vì những lý do như cung cầu, thị trường, nguồn vốn…, chúng tôi tiến hành giảm theo lộ trình cho từng đối tượng khách hàng khác nhau.
- Theo ông, năm nay ở huy động và cho vay lĩnh vực nào sẽ khó khăn, thách thức cho các NHTM?
- Huy động vốn lúc nào cũng khó hơn cho vay vì nước ta là nền kinh tế mới nổi với tăng trưởng tốc độ 6%/năm, nên chuyện khát vốn là tất yếu và tốc độ tăng trưởng tín dụng 17-18% thì bình thường. Vì vậy, không khó để cho vay mà khó là ở nguồn vốn cho vay.
Cái khó trong cho vay ở thời điểm này là việc sau một thời gian khó khăn, các doanh nghiệp đang co lại, có những doanh nghiệp, cá nhân muốn vay và chấp nhận lãi suất cao nhưng chúng tôi không dám cho vay vì năng lực tài chính, bức tranh hoạt động của họ rất rủi ro… buộc ngân hàng thẩm định rất kỹ.
Trong khi đó những doanh nghiệp đủ sức mạnh đứng vững phát triển ít. Cho nên vấn đề cho vay phải rất thận trọng.
- Vậy huy động vốn thời điểm này đã thuận lợi chưa hay vẫn còn thách thức, thưa ông? Kế hoạch tăng trưởng huy động của OCB trong năm nay như thế nào?
- Tôi nghĩ đã có dấu hiệu thuận lợi hơn bởi vì lạm phát thấp. NHNN đã cùng với Chính phủ thực hiện được việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát. Khi giải quyết được vấn đề đó thì mọi vấn đề trở về bình thường, có nghĩa tiền gửi lãi suất phải thấp.
Doanh nghiệp vay vốn lãi suất 12-15%/năm thì còn sống được, nếu lên đến 18-20%/năm trở lên chắc chắn không ổn và tồn tại được, nếu có tồn tại thì không thể cạnh tranh trong nước nói chi đến cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Khi cho vay xuống 12-15%/năm thì huy động phải dưới 10%/năm.
Nếu kiềm chế lạm phát xuống 8-9% thì huy động 10%/năm có thể chấp nhận được. Tất nhiên không thể yêu cầu kéo giảm lãi suất huy động xuống 10%/năm ngay bây giờ, nhưng lộ trình giảm lãi suất trong năm nay cũng nên xuống như vậy.
Năm nay, OCB có kế hoạch tăng trưởng huy động cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, OCB có kế hoạch tăng trưởng khoảng 30% huy động trên thị trường 1 (tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế). Về cơ bản chủ trương nguồn vốn huy động của OCB phải đa dạng, không chỉ từ huy động của dân cư, doanh nghiệp mà còn từ phát hành trái phiếu, định chế trong nước và ngoài nước.
Khi có nguồn vốn đa dạng, cơ cấu vốn của ngân hàng sẽ tốt hơn, giúp hoạt động của ngân hàng ổn định và an toàn hơn bởi nguồn vốn huy động trong nước ngắn hạn là chủ yếu.
- Được biết, OCB là một trong số ít NHTM được nhận các nguồn vốn tài trợ ủy thác từ các định chế tài chính nước ngoài. Theo ông, cơ sở nào để OCB có được lợi thế này?
- Chúng tôi đang cải tổ và xây dựng OCB phát triển với tốc độ cao và ổn định. Năm vừa qua dù là một năm khó khăn nhưng OCB vẫn giữ vững được ổn định, đảm bảo thanh khoản, hoạt động an toàn, hiệu quả. Đây là thành công lớn của OCB trong bối cảnh năm 2011 thị trường nhiều biến động.
Bên cạnh đó, OCB cũng tạo được nền tảng cơ sở cho sự phát triển bền vững như: tái cấu trúc mô hình hoạt động và một loạt dự án trọng điểm về công nghệ (mobile banking, internet banking, thẻ…), các dự án như phân bổ thu nhập, chi phí, quản lý vốn tập trung và có thể quản trị được rủi ro.
Đặc biệt, cổ đông chiến lược BNP Paribas đã tăng vốn góp tại OCB lên 20% và các tổ chức tài chính quốc tế cho vay tín dụng hoặc nâng hạn mức tài trợ như JICA (Nhật Bản), IFC (WB) cấp 20 triệu USD.
Điều này thể hiện OCB được đánh giá là ngân hàng đạt tiêu chuẩn về quản trị điều hành, năng lực tài chính, độ minh bạch, quản trị rủi ro… đạt được sự tín nhiệm của các định chế tài chính uy tín quốc tế. Đây là động lực giúp OCB vững tin phát triển mạnh trong thời gian tới.
- Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% có ảnh hưởng đến đến kế hoạch lợi nhuận và kinh doanh của OCB?
- Nguồn thu từ tín dụng tùy thuộc vào quy mô của từng ngân hàng. Các ngân hàng có quy mô lớn thì tỷ trọng nguồn thu từ tín dụng giảm đi, bởi nguồn tiền lớn thì ngân hàng có nhiều hình thức kiếm lợi nhuận như dịch vụ, kinh doanh tiền tệ... Trong khi các ngân hàng nhỏ có nguồn thu chủ yếu từ tín dụng, chiếm đến trên 90%.
Ngoài lợi nhuận thu được từ tín dụng, OCB cũng tính toán đến việc tăng nguồn thu ở lĩnh vực khác như dịch vụ, kinh doanh tiền tệ, nguồn vốn... để đạt được kế hoạch lợi nhuận năm 2012.
- Xin cảm ơn ông.
Mai Thảo
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|