Ngân hàng nước ngoài chờ phân hạng
“Với dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng ngoại còn nhỏ và chất lượng tín dụng tốt, NHNN có thể xem xét cho nhóm này tăng trưởng tín dụng tối đa”.
Đó là khuyến nghị của ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc bộ phận kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam.
Tại cuộc họp báo chiều 14/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nước ngoài sẽ được linh hoạt hơn so với các ngân hàng trong nước, thể hiện qua việc tăng trưởng tín dụng tối đa theo mức tăng vốn điều lệ trong năm ngoái.
Không ít nhận định cho rằng, với quy định mới của NHNN, các ngân hàng nước ngoài sẽ có cơ hội mở rộng thị phần trong năm 2012.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, hiện tỷ trọng vốn của các ngân hàng nước ngoài trong hệ thống tín dụng ở Việt Nam còn nhỏ nên dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cao thì giá trị tuyệt đối của dư nợ tín dụng vẫn nhỏ.
Về nguyên tắc, các ngân hàng nước ngoài quản trị luôn tốt hơn các ngân hàng trong nước, đó cũng là một việc tốt để các ngân hàng trong nước có sự đối chiếu so sánh, cạnh tranh và vươn lên. “Các ngân hàng trong nước phải nhìn vào các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam để phấn đấu, chứ không nên xem là đối trọng”, ông Cung nói.
Số liệu Báo cáo hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. HCM cho thấy, tính đến ngày 31/12/2011, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 1,14%, trong khi nợ xấu khối NHTM nhà nước là 5,29% và NHTM cổ phần là 2,8%. Các ngân hàng nước ngoài huy động vốn ước đạt 116.837 tỷ đồng, tăng 32,15% so với cùng kỳ 2010; còn khối NHTM nhà nước trên địa bàn ước huy động chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc bộ phận kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam chia sẻ, năm qua, các ngân hàng nước ngoài cũng chịu kiểm soát tăng trưởng tín dụng như các ngân hàng trong nước nhưng khối ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn khi phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng thực tế không vượt quá chỉ tiêu đặt ra. Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều có dư nợ tín dụng ở mức thấp vào thời điểm cuối năm 2010 so với các ngân hàng trong nước, do đó, cùng một tỷ lệ tăng trưởng nhưng giá trị tăng trưởng tín dụng tuyệt đối thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, đa phần các công ty đa quốc gia hoặc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch với các ngân hàng nước ngoài. Các khách hàng này thường có sự hỗ trợ rất lớn từ công ty mẹ và đã có quan hệ với mạng lưới chi nhánh của tập đoàn ngân hàng nên mức độ rủi ro tín dụng rất thấp nhưng do vướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2011, rất nhiều các DN nước ngoài này đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.
Điều này chẳng những làm giảm niềm tin của NĐT nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Trong khi đó, một số ngân hàng lớn trong nước lại không sử dụng hết trần tăng trưởng tín dụng do dư nợ tín dụng đã ở mức cao và lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô.
“Với dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng nước ngoài còn nhỏ và chất lượng tín dụng tốt, NHNN có thể xem xét cho nhóm ngân hàng này chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa có thể. Thông qua đó, gián tiếp hỗ trợ việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong khi tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn đạt chỉ tiêu do các ngân hàng lớn trong nước có khả năng sẽ không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng”, ông Hải khuyến nghị.
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam chia sẻ, ông không có ý định phân biệt giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài bởi lẽ ANZ đã hoạt động như một ngân hàng trong nước và là một phần của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. “Trong năm 2011, ANZ đã tăng trưởng hết trần cho phép là 20%, lợi nhuận trong năm 2011 đã được sử dụng để tái đầu tư. ANZ đang ở vị thế rất thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong năm 2012. Thời điểm hiện tại, ANZ kiểm soát tốt tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức độ hợp lý, đồng thời, đang làm việc với NHNN về mức tăng trưởng tín dụng của mình”, Ông Tareq nói.
Việc cho phép các ngân hàng này hoạt động linh hoạt theo tín hiệu thị trường cũng là điều tốt và NHNN có thể theo dõi, đối chiếu để điều chỉnh tiếp, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Cả nước hiện có khoảng 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh. Tính đến ngày 31/12/2011, ngân hàng 100% vốn nước ngoài như HSBC, Standard Chartered, ANZ, Hong Leong có vốn điều lệ/vốn được cấp là 3.000 tỷ đồng, riêng Ngân hàng Shinhan Vietnam có vốn điều lệ hơn 7.500 tỷ đồng. Ngân hàng liên doanh như VID Public Bank có vốn điều lệ/vốn được cấp là 62,5 triệu USD, Indovina Bank Limited 165 triệu USD, Việt Thái Vinasiam Bank 61 triệu USD, Việt Nga Vietnam - Russia Joint Venture Bank 168,5 triệu USD. 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn điều lệ/vốn được cấp đều vượt con số 15 triệu USD theo quy định. |
Hồng Dung
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|