Thứ Năm, 02/02/2012 22:55

TS Vũ Đình Ánh: Năm 2012 tỷ giá khó tăng quá 3%

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong năm 2012, tỷ giá sẽ ổn định hơn so với năm 2011 do nguồn cung ngoại tệ sẽ không thiếu hụt nhiều, trong khi cầu ngoại tệ không quá lớn.

Ông Vũ Đình Ánh.

Thưa ông, trong năm 2011, tiền đồng Việt Nam đã mất giá mạnh, trên 10,27%, tuy vậy tính riêng trong 3 tháng cuối năm, mức tăng tỷ giá chỉ khoảng 1%. Liệu xu hướng ổn định tỷ giá này có tiếp tục được duy trì trong năm 2012?

Ông Vũ Đình Ánh : Trong năm 2012, tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ tiếp tục với tín hiệu lạc quan của các tháng cuối năm 2011. Lý do là thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2012 có thể sẽ thấp như năm 2011, tức chỉ vào khoảng 10 tỉ đô la Mỹ do việc xuất khẩu hàng hóa sẽ không còn nhiều do kinh tế khó khăn, kéo theo việc nhập nguyên phụ liệu để sản xuất cũng giảm. Điều này giúp cho cầu ngoại tệ không quá căng thẳng như các năm trước.

Trong khi đó, trong năm 2012, nếu so sánh với các đồng tiền của các khu vực khác thì đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vị thế của nó, có thể còn tăng so với các đồng ngoại tệ khác do khủng hoảng nợ châu Âu vẫn đang chưa có lối ra.

Một yếu tố nữa tác động đến con số phá giá tiền đồng là lạm phát, nếu lạm phát giữ được mức dưới 10% thì dự báo đồng Việt Nam bị phá giá khoảng 2-3% là có thể xảy ra.

Hỗ trợ mạnh cho cán cân thanh toán là dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) và đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về nguồn vốn này trong năm 2012?

- Tôi không quá lạc quan về việc dòng vốn vào sẽ tăng nhiều, nhưng dòng vốn trong nước cũng khó bị rút đi. Dòng vốn FII sẽ vẫn duy trì bởi vì quy mô không phải là lớn nên sẽ khó có chuyện nhà đầu tư rút mấy tỉ đô la Mỹ từ Việt Nam về, vì thực chất không giải quyết được vấn đề của họ ở nước ngoài. Vì vậy việc cho rằng thị trường thế giới khó khăn khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn về cũng không phải. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nên sẽ khó có chuyện rút vốn.

Còn nguồn vốn đầu tư trực tiếp, hiện tại nhà đầu tư nước ngoài rót vốn với những cam kết mang ý nghĩa thực tế hơn các năm sau gia nhập WTO. Những chính sách về thu hút vốn của Việt Nam cũng đã dần trở nên quy củ, vì vậy dòng vốn giải ngân vào năm 2012 sẽ tiếp tục tăng do dòng vốn đăng ký năm 2009 và 2010 đều ở mức cao và độ trễ triển khai các dự án này sẽ rơi vào năm 2011 cũng như các năm sau đó. Ngoài ra, sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư vào các ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao cũng sẽ đảm bảo tốc độ giải ngân trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp như tăng mức xử phạt đối với các giao dịch đô la trái phép ngoài ngân hàng và tịch thu tang vật nhằm thu hẹp thị trường tự do, những điều này có giúp ổn định thị trường ngoại hối?

- Tôi không đánh giá cao biện pháp này, vì thực chất bản thân thị trường chính thức đang có nguồn đô la dồi dào để cung ứng cho thị trường nên việc dẹp được thị trường tự do là tất yếu. Nhưng chỉ cần có sự căng thẳng trong thị trường ngoại hối chính thức thì thị trường tự do lại tiếp tục quay trở lại hoạt động. Bên cạnh các biện pháp hành chính thì tôi cho rằng biện pháp cốt lõi nhất vẫn là biện pháp kinh tế, tức là tìm cách tăng giá trị tiền đồng.

Trong năm 2011, niềm tin của tiền đồng bị ảnh hưởng đã khiến vàng và ngoại tệ "lên ngôi", năm 2012 liệu điều này còn tiếp diễn?

- Trong các năm qua, việc người dân chi tiền đồng mua ngoại tệ nhiều, khiến nguồn ngoại tệ hiện rất dồi dào, vì vậy các ngân hàng buộc phải khuyến khích cho vay ngoại tệ. Đồng thời với lãi suất tiền đồng hiện đang hấp dẫn hơn nhiều so với ngoại tệ và tỷ giá đã khá ổn định trong các tháng gần đây sẽ khiến người dân yên tâm hơn khi nắm giữ tiền đồng.

Trong các năm gần đây, tín dụng ngoại tệ luôn tăng mạnh, khiến cho áp lực trả nợ vay bằng ngoại tệ ảnh hưởng không nhỏ đến cầu đô la Mỹ?

- Theo tôi, nếu như trong năm 2010, áp lực trả nợ vay bằng ngoại tệ tác động không nhỏ đến tỷ giá thì yếu tố này đã dịu lại trong năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cả năm là 18,7% (năm 2010 là 48,45% - PV). Và trong năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cam kết tỷ giá sẽ tăng 2-3% là một tín hiệu từ cơ quan quản lý ủng hộ cho việc doanh nghiệp đi vay ngoại tệ. Rủi ro tỷ giá đã được đảm bảo, ít nhất cho đến hết quí 3 vì vậy doanh nghiệp không nên quá lo lắng. Bên cạnh đó việc này cũng giải quyết được câu chuyện thừa ngoại tệ và thiếu tiền đồng như hiện tại.

Thêm vào đó, việc vay, mua ngoại tệ để nhập hàng lúc trước rất nhiều, nhưng giờ kinh tế khó khăn, nên nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu không lớn, vì vậy cầu ngoại tệ năm nay không cao. Các ngân hàng sẽ khuyên doanh nghiệp vay ngoại tệ rồi chuyển thành tiền đồng để tránh lãi suất cao.

Ông cũng khẳng định chỉ khi lạm phát về dưới 1 con số thì tỷ giá mới có thể tăng trong mức 3%, nhưng điều này có dễ thực hiện trong năm sau?

- Tôi cho rằng trong năm nay áp lực lớn nhất của lạm phát Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá điện và giá xăng dầu. Hai mặt hàng này theo tôi rất khó đứng yên. Đây là các yếu tố phi kinh tế nhưng lại tác động rất mạnh đến giá cả các mặt hàng khác, kéo lạm phát đi lên. Việc lạm phát tháng 1-2012 được công bố là 1% cũng chưa thể nói lên điều gì. Để xem xét lạm phát của cả năm thì cần quan tâm đến lạm phát của tháng 3, tháng 4. Nếu trong 2 tháng này, lạm phát vẫn tăng thấp thì khả năng giữ được lạm phát dưới 10% là có thể thực hiện được.

Thanh Thương thực hiện

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Công bố lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách XH (02/02/2012)

>   Sôi động hút vốn huy động đầu năm (02/02/2012)

>   Tiềm lực của ngân hàng Việt còn mong manh (02/02/2012)

>   Tín dụng ngoại tệ vẫn bị siết (02/02/2012)

>   Tiền đồng sẽ giành lại vị thế? (02/02/2012)

>   Một số tổ chức tín dụng tại TPHCM có nợ xấu cao hơn 5% (01/02/2012)

>   Đổi giờ làm không xáo trộn hoạt động ngân hàng, siêu thị (01/02/2012)

>   Giá USD tiếp tục hạ nhiệt sau Tết (01/02/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tăng đến 6.8% (01/02/2012)

>   Ngân hàng tìm cách thể hiện (01/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật