Thứ Tư, 01/02/2012 23:11

Một số tổ chức tín dụng tại TPHCM có nợ xấu cao hơn 5%

Theo báo cáo tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2011 và phương hướng năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, so với năm 2010, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tăng mạnh. Trong đó, một số tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 5%.

Tỷ trọng nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng nợ xấu.

Theo một báo cáo khác cũng của NHNN chi nhánh TPHCM, trong số các chi nhánh của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và có cổ phần Nhà nước chi phối gồm Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), Công thương Việt Nam (Vietinbank - CTG), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn TPHCM thì Agribank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, trên 15%.

Các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TPHCM (gồm có 16 hội sở, 9 sở giao dịch và 158 chi nhánh) có tỷ lệ nợ xấu trung bình 2,59%. Khối ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở ngoài TPHCM có nợ xấu trung bình trên 26%. Công ty tài chính trên địa bàn có nợ xấu 16,97%. Công ty cho thuê tài chính có nợ xấu tính đến cuối 11-2011 chiếm 23,31%. Các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tính đến cuối tháng 11-2011 có nợ xấu 5,46%.

Tổng cộng nợ xấu tại thị trường I (thị trường dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng tại TPHCM tính đến hết tháng 11-2011 là chiếm 3,85%.

Trên địa bàn TPHCM hiện có 35 hội sở và 314 sở giao dịch, chi nhánh của các tổ chức tín dụng. Trong năm 2011, Thanh tra NHNN chi nhánh TPHCM đã có 3.316 văn bản nhắc nhở hơn 100 đơn vị có nợ xấu và nợ nhóm II (nợ cần chú ý) cao.

Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho hay, tính đến 31-10-2011, các tổ chức tín dụng kinh doanh kém hiệu quả, lãi ít hoặc lỗ, nợ xấu phát sinh cao chủ yếu là các tổ chức tín dụng có cho vay bất động sản với các dự án lớn và mang tính đầu cơ.

Trong năm 2012, theo NHNN chi nhánh TPHCM, những khó khăn của thị trường bất động sản và của doanh nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, điều này tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động tín dụng ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm và có giải pháp đối với nợ xấu. NHNN chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn xử lý và giảm tối đa nợ xấu phát sinh, đảm bảo nợ xấu trên địa bàn dưới 5% so với tổng dư nợ tín dụng.

Ngoài rủi ro tín dụng do nợ xấu gia tăng, rủi ro kỳ hạn cũng tiềm ẩn và cần được các ngân hàng quan tâm đặc biệt. Bởi “đại bộ phận nguồn vốn huy động hiện nay kỳ hạn ngắn, tiền gửi rất hoạt kỳ và rất biến động trong khi cho vay trung dài hạn rất khó điều chỉnh cho phù hợp với cơ cấu nguồn nên áp lực lên việc khai thác và sử dụng vốn tại các ngân hàng thương mại không nhỏ, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn”, trích báo cáo.

Cũng theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, gồm cho vay tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán tính đến 30-9-2011 chiếm 18,57% so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TPHCM, giảm 0,03% so với đầu năm 2011.

Tổng huy động vốn trên địa bàn đến 31-12-2011 đạt 886.900 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2010. Tổng dư nợ tín dụng đến 31-12-2011 ước tăng 6,3% so với năm 1010, thấp hơn các năm trước.

Hồng Phúc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đổi giờ làm không xáo trộn hoạt động ngân hàng, siêu thị (01/02/2012)

>   Giá USD tiếp tục hạ nhiệt sau Tết (01/02/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tăng đến 6.8% (01/02/2012)

>   Ngân hàng tìm cách thể hiện (01/02/2012)

>   Xử phạt 3 DN du lịch niêm yết giá dịch vụ bằng ngoại tệ (01/02/2012)

>   Cần “cú hích” cho thanh toán qua thẻ (31/01/2012)

>   Các ngân hàng thương mại bán USD ở mức kịch trần (31/01/2012)

>   ATM đua nhau xả hơi 'nghỉ Tết' (31/01/2012)

>   Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (31/01/2012)

>   Năm 2012: Thử thách “sức khỏe” hệ thống ngân hàng (31/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật