Thứ Tư, 01/02/2012 10:05

Ngân hàng tìm cách thể hiện

Nhiều ngân hàng loay hoay tìm lối đi cho thương hiệu của mình nhằm khẳng định vị thế.

Xu hướng tái cấu trúc mạnh hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng như những tuyên bố gần đây của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đang được chính các ngân hàng hưởng ứng với quyết định thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu, chất lượng dịch vụ và hướng đi của mình.

Đơn cử, chiến dịch truyền thông khá rầm rộ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam(Eximbank) ngay đầu năm 2012 khi ra mắt logo mới có sự xuất hiện của cầu thủ bóng đá Fabio Cannavaro, cựu đội trưởng Đội tuyển Italia vô địch World Cup 2006. Đây được xem như món quà đặc biệt dành cho các fan hâm mộ bóng đá khi Eximbank là nhà tài trợ chính của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2013.

Nói về động lực “thay áo mới” trong lúc người dân, doanh nghiệp đều kêu khó, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, mục tiêu nằm trong top những ngân hàng hàng đầu Việt Nam vào năm 2020 về lĩnh vực xuất nhập khẩu và bán lẻ sẽ không khả thi nếu Eximbank không tìm một lối đi thích hợp, thể hiện quy luật sống còn. Để đạt mục tiêu này, ngoài đa dạng hóa sản phẩm, song hành với hoạt động ngân hàng cho doanh nghiệp (corporate banking), Eximbank cũng áp dụng dịch vụ ngân hàng bán lẻ (retail banking), phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực quản trị điều hành.

Về phần mình, các ngân hàng nhỏ cũng đang chứng minh cho thị trường thấy sự nỗ lực của mình. Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) dù phải đối mặt với tính thanh khoản trên thị trường thấp và mới được Ngân hàng BIDV cấp cho khoản tín dụng 3.000 tỷ đồng cũng vừa “thay áo mới” trước Eximbank ít ngày. Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bac A Bank cho hay, ngân hàng làm theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc đột phá chiến lược chuyển đổi quy mô hoạt động từ  nhỏ thành vừa. Bac A Bank đã nhìn thấy dư địa lớn từ  thị trường nông thôn với hơn 70% dân số và nhắm vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, dược liệu sạch, y tế, giáo dục.

Trong ba năm qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt  ngân hàng nội chi những khoản tiền triệu USD cho việc thay đổi logo lẫn hệ thống nhận diện thương hiệu như Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Quốc tế (VIB); Ngân hàng Phát triển Nhà (HDBank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Cùng với những thay đổi bề ngoài này, chiến lược kinh doanh của các ngân hàng cũng có những chuyển động nhất định. Từ chỗ chỉ tập trung khai thác khách hàng doanh nghiệp - vốn mang lại nguồn thu nhập chủ yếu, chuyển sang khách hàng cá nhân; dựa trên nền tảng công nghệ và tính năng sản phẩm dịch vụ cũ nghiên cứu tích hợp nhiều tiện ích vượt trội, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Một số tên tuổi lớn còn chuẩn bị cho những bước phát triển dài hơi trên thị trường quốc tế khi tiến hành đăng ký bản quyền thương hiệu tại nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra định hướng trở thành bán lẻ, nhưng khi tiếp cận thì sản phẩm bán lẻ nào cũng giống nhau, ít có giá trị gia tăng ở từng sản phẩm mà chỉ cạnh tranh nhau chút ít về lãi suất. Trong khi tâm lý khách hàng lại không dễ thay đổi một sớm một chiều.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn thương hiệu Left Brain Connectors cho rằng, không phải sự thay đổi nào cũng đạt ngay được mục đích. Với sản phẩm vô hình là chất lượng, dịch vụ, để làm nên một thương hiệu mạnh, các ngân hàng rất cần có những nghiên cứu thị trường, hệ thống dữ liệu rõ ràng về đối tượng khách hàng của mình. Đây là điểm cốt lõi nhưng trong chiến lược truyền thông của nhiều ngân hàng lại ít có dữ liệu phản hồi của đối tượng khách hàng tiềm năng.

Vũ Anh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Xử phạt 3 DN du lịch niêm yết giá dịch vụ bằng ngoại tệ (01/02/2012)

>   Cần “cú hích” cho thanh toán qua thẻ (31/01/2012)

>   Các ngân hàng thương mại bán USD ở mức kịch trần (31/01/2012)

>   ATM đua nhau xả hơi 'nghỉ Tết' (31/01/2012)

>   Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (31/01/2012)

>   Năm 2012: Thử thách “sức khỏe” hệ thống ngân hàng (31/01/2012)

>   Agribank sẽ tái cơ cấu để là... chính mình (31/01/2012)

>   Tuần này, NHNN sẽ hút về hơn 80.000 tỉ đồng từ NHTM (31/01/2012)

>   Khéo co thì ấm (31/01/2012)

>   40 triệu thẻ chỉ để rút tiền mặt (30/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật