Khéo co thì ấm
Đó là nhận định của các chuyên gia về việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm nay. Bởi việc này có tác động rất lớn đến kinh tế năm 2012.
Lãi suất giảm, tiếp cận vốn ngân hàng dễ thở hơn, là hy vọng lớn nhất, thậm chí là hy vọng cuối cùng của hàng ngàn doanh nghiệp sau một năm cầm cự để tồn tại.
Tuy nhiên, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ vẫn chưa thể nới lỏng, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục hạn chế cho vay. Cũng có nghĩa là, lãi suất cũng sẽ duy trì ở mức cao. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến gần 50.000 doanh nghiệp phá sản trong năm 2011 và điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong năm 2012. Chỉ khác là, nếu như năm ngoái, chúng ta có thể "chặc lưỡi" cho rằng, đó là sự đào thải tất yếu của doanh nghiệp kém cỏi thì năm nay, ngay cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có thâm niên, doanh nghiệp ở mọi ngành nghề... đều đã mệt mỏi, kiệt sức. Nếu họ có "mệnh hệ" gì, nền kinh tế có nguy cơ đối mặt với giảm phát. Lúc đó, "bệnh" còn khó chữa hơn. Nên mới cần sự "khéo co" trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng đã được ấn định thấp hơn năm 2011, chỉ 15% - 17%.
"Co" ở đây là việc phân bổ, nắn dòng cho tín dụng "chảy" đúng nơi, đúng chỗ thay vì siết đều, siết chung như cách chúng ta vẫn làm lâu nay. Thực ra việc này đã được nói đến rất nhiều từ năm trước nhưng thực hiện chưa triệt để dẫn đến tín dụng rơi vào tình trạng chỗ cần không siết, siết chỗ không; chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.
Rất nhiều ý kiến đồng tình rằng, tăng trưởng tín dụng 20% của năm 2011 cũng như 15% - 17% của năm nay không phải là quá thấp. Nhưng sở dĩ chúng ta luôn có cảm giác thiếu, cảm giác ngột ngạt, khó thở là bởi những đối tượng cần được ưu tiên lại quá khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được vốn. Vì vậy, việc phải làm của năm nay là "nắn dòng" để nguồn vốn này chảy vào sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu như định hướng của Chính phủ. Có như vậy, dù tín dụng vẫn siết nhưng nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Tương tự, việc phân bổ tín dụng trong hệ thống ngân hàng cũng phải thay đổi chứ không áp dụng cơ chế "cào bằng" như năm 2011. Chính việc "cào bằng" này dẫn đến tình trạng ngân hàng thừa “room” nhưng thiếu vốn, không thể cho vay. Ngược lại, có ngân hàng dư vốn nhưng lại hết "quota" nên cũng không thể cho vay. Kết quả là doanh nghiệp đói vốn, dẫn đến khó khăn, phá sản, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế như nói trên.
"Co" thế nào cho nguồn vốn khiêm tốn phát huy hết sức mạnh, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực cho nền kinh tế phụ thuộc vào sự linh hoạt mà NHNN vẫn khẳng định trong điều hành chính sách tiền tệ. Đây cũng là hy vọng của doanh nghiệp khi lãi suất chưa thể giảm ngay để phục vụ mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong năm nay.
Nguyên Khanh
Thanh Niên
|