Thứ Bảy, 28/01/2012 07:57

Vào cuộc tái cấu trúc ngân hàng

Dự báo trong năm 2012, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng sẽ diễn ra sôi động. “Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ không “bao cấp” toàn bộ cho việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD)” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mở đầu cuộc trò chuyện đầu năm.

Hệ thống các văn bản pháp lý về hoạt động ngân hàng sẽ phải đổi mới và hoàn thiện.

Trở ngại: Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh

. Thưa ông, năm 2011, ta cơ bản đã giữ được tỉ giá ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện một bước, thị trường vàng cũng được củng cố. Về hoạt động các ngân hàng, ông nhận định như thế nào? +

Thống đốc Nguyễn Văn Bình : Năm qua, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 12%-13%, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm nay. Hoạt động tín dụng ngân hàng đã có đóng góp rất quan trọng vào kiềm chế lạm phát. Giả định, tăng trưởng tín dụng năm 2011 của hệ thống ngân hàng ở mức 29,4% hoặc 33% thì lạm phát sẽ cao ở mức 25%-27%.

Bên cạnh đó, tín dụng cho khu vực sản xuất đã tăng trên 15%, tín dụng cho nông nghiệp trung bình đạt 25%, còn tín dụng cho phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán giảm mạnh. Tăng trưởng xuất khẩu của nước ta đã rất ấn tượng với mức tăng trên 30%. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 2,5 tỉ USD.

. Vậy yêu cầu nào dẫn đến chủ trương cơ cấu lại hệ thống các TCTD? + Chủ trương cơ cấu lại hệ thống các TCTD là do yêu cầu cần khắc phục những tồn tại, yếu kém và là đòi hỏi trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế. Cơ cấu lại hay đổi mới liên tục hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung trong một nền kinh tế đang phát triển là nhằm tạo thêm xung lực mới cho phát triển.

Nhiệm vụ trọng tâm sẽ là thực hiện lành mạnh hóa hệ thống tài chính nhằm xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ vốn theo quy định pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn. Ngoài ra, các ngân hàng phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Các tổ chức tín dụng sẽ được phân thành ba loại để tái cấu trúc.

. Theo ông, đâu là những khó khăn trước mắt cần vượt qua trong việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD? + hiện nay nền kinh tế đang chịu áp lực bởi lạm phát cao và còn tồn tại những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô: nợ công đã ở mức cao, thâm hụt ngân sách lớn, nguồn lực Chính phủ bị hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ trong việc tái cấu trúc ngành tài chính ngân hàng, mà đặc biệt là vấn đề phá sản, quyền sở hữu tài sản và những nghĩa vụ tài chính.

Ngoài những yếu tố trong nước, chúng ta cũng phải chịu áp lực từ diễn biến xấu của kinh tế thế giới. Trong đó, khủng hoảng nợ công ở châu Âu với nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng tài chính cũng có tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng trong nước.

Các yếu tố này tác động vào tâm lý không ổn định của người dân, đây cũng là một trong những khó khăn trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Phân loại ngay các TCTD

. Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, chúng ta cần phải làm gì?

+ Phải đánh giá phân loại các TCTD thành ba loại: TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém. Các TCTD lành mạnh sẽ được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu TCTD yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn chung của hệ thống các TCTD. Riêng các TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.

Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các ngân hàng lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực để hỗ trợ tái cấu trúc.

. Chi phí trong quá trình tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng có được NHNN hỗ trợ?

+ Chính phủ và NHNN sẽ không “bao cấp” toàn bộ cho việc cơ cấu lại TCTD. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các TCTD cần có sự chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền). Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra đối với TCTD, đồng thời với việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước, tài sản của người dân phải được bảo vệ tốt nhất.

. Xin cảm ơn thống đốc.

Tiêu điểm

Chính phủ và NHNN cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý về hoạt động ngân hàng, bao gồm chuẩn mực an toàn và quản trị rủi ro; quy định về cấp tín dụng; quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; các quy định về cấp phép thành lập TCTD, mở và chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, điểm giao dịch của TCTD cũng sẽ được hoàn chỉnh. Hệ thống kế toán của các TCTD phù hợp hơn với chuẩn mực kế toán quốc tế. Việc tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng cũng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Nên công khai nợ xấu

Vấn đề đáng lo lắng nhất là tính minh bạch về thông tin của các TCTD. Để xét tỉ lệ nợ xấu nên thanh tra các ngân hàng đang cho vay dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, khoanh vùng các khoản nào trả được, khoản nào không trả được. Sau khi khoanh vùng, việc tái cấu trúc ngân hàng sẽ đi theo lộ trình. NHNN sẽ hỗ trợ tùy vào từng trường hợp.

TS Nguyễn Ngọc Oảnh, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, ĐH Tài chính Marketing

Yên Trang

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Sáp nhập ngân hàng: Khi người ta… mới (27/01/2012)

>   Ngân hàng đau đầu với “rủi ro đạo đức” (27/01/2012)

>   Tín hiệu tích cực trên thị trường ngoại hối Tết Nhâm Thìn (27/01/2012)

>   TS Vũ Viết Ngoạn: Mặt bằng lãi suất năm 2012 cần giảm 4 - 5% (27/01/2012)

>   Tín hiệu tích cực từ tỷ giá (27/01/2012)

>   Không thể có lãi suất huy động khủng 6% - 7% một tháng (25/01/2012)

>   Ngân hàng tái cấu trúc và nguồn lực “ngoại đạo” (25/01/2012)

>   ATM đã “nhả” tiền mặt gấp 4 lần trong tháng Tết (23/01/2012)

>   Mất ăn tết vì 'dính chưởng' ATM liên ngân hàng (22/01/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì trong năm 2012? (22/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật