Ngân hàng tái cấu trúc và nguồn lực “ngoại đạo”
Một loạt ngân hàng đang tiến hành tái cấu trúc, dòng tiền lớn đang rót vào mạnh. Điểm lại, nguồn tiền này chủ yếu đến từ những “kẻ ngoại đạo”.
Bước vào năm 2012, GiaDinhBank chính thức đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank)... |
Ngày 1/1/2012, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) sau hợp nhất công bố chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện này là câu trả lời cụ thể cho những hoài nghi về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại trước đó. Nhưng cần nhiều câu trả lời hơn nữa, về hiệu quả và điểm đến cuối cùng.
“Sóng ngầm” của cơ hội?
SCB chỉ là một trong nhiều ngân hàng đang tiến hành tái cấu trúc. Trước và sau SCB đã có những sự kiện khác đáng chú ý trên thị trường.
Cho đến thời điểm này tổ chức nào đứng sau kế hoạch tăng vốn và đổi tên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Gia Định (GiaDinhBank) vẫn chưa được công bố một cách chính thức. Song, giới đầu tư cũng đã định hình những thông tin liên quan.
Bước vào năm 2012, GiaDinhBank chính thức đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank), sau kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Cuối cùng thì nhà băng này cũng thở phào với yêu cầu vốn pháp định, và có thêm sự đồng hành của cổ đông mới…
Nối tiếp, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng vừa tiến hành đợt tăng vốn điều lệ qua kế hoạch phát hành riêng lẻ trị giá 500 tỷ đồng cho Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng nhà và kinh doanh nhà Phú Nhuận. Đây cũng là nhà băng chật vật đáp ứng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng trong thời gian qua.
Mới đây nhất, trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường cũng đã đón nhận kế hoạch đầu tư của Tập đoàn DOJI vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TienPhongBank) với tỷ lệ sở hữu 20%. TienPhongBank đang ở trong thời điểm khó khăn nhất định, khoản đầu tư theo đó là đáng chú ý.
Và cũng đầu năm nay, kế hoạch đầu tư vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng là một “điểm nóng” trên thị trường chứng khoán. Eximbank trở thành cổ đông lớn của Sacombank với tỷ lệ sở hữu là 9,73%.
Năm 2011 và đầu năm 2012, những khoản đầu tư trên tạo dòng chảy sôi động trong bối cảnh thị trường chứng khoán sa sút và khó khăn kéo dài. Có thể, chính bối cảnh đó đã và đang tạo ra cơ hội cho các hoạt động đầu tư dài hạn, kích thích hoạt động mua bán, sáp nhập sôi động hơn. Ngân hàng vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn đầu tư, bối cảnh khó khăn càng tạo ra những mức giá hấp dẫn.
Chỉ mỗi tiền là chưa đủ
SCB và sắp tới là khoảng 5 - 8 ngân hàng nằm trong diện xem xét cho hợp nhất, mua bán lại theo lộ trình tài cấu trúc hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai. Ở những trường hợp trên, đó cũng là tái cấu trúc và tự thân.
Trong thông tin đưa ra thị trường, Tập đoàn DOJI nói rõ rằng đi cùng với vốn góp, họ sẽ tham gia tái cấu trúc TienPhongBank. Cụ thể, tập đoàn này cam kết bơm thêm tiền để cải thiện khả năng thanh toán, xử lý các khoản nợ xấu…
Tại GiaDinhBank mà nay là Viet Capital Bank, hay tại Saigonbank, dòng vốn mới đó là quý giá trước khó khăn đảm bảo yêu cầu vốn pháp định, chưa nói đến yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhưng, chỉ mỗi tiền thì chưa đủ. Ngoài trường hợp Eximbank và Sacombank, dễ nhận thấy những cổ đông mới là những kẻ “ngoại đạo”. Họ đến từ những người hàng xóm ồn ào và cũng không kém phần chật vật trong thời gian qua là vàng, chứng khoán, bất động sản.
Tất nhiên, khi trở thành cổ đông lớn, chiến lược, nhà đầu tư đó sẽ tham gia quản trị điều hành, chí ít là kinh nghiệm quản trị, điều hành. Song, nhìn lại, lĩnh vực ngân hàng vốn đặc thù và đòi hỏi kinh nghiệm và năng lực quản trị cao. Thực tế cho thấy mảng này không dễ “xơi”.
Lịch sử cũng đã cho thấy trong làn sóng đổ vốn làm ngân hàng 2006 - 2007 đã có nhiều trường hợp phải trả giá đắt: hoặc lạm dụng vốn của ngân hàng cho những mảng nhạy cảm dễ tạo lợi nhuận lớn để rồi khó khăn kéo dài; năng lực quản trị phải đối diện với những cú sốc từ rủi ro kỳ hạn và lãi suất, khi lạm dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn…
Cũng có thể kỳ vọng những nhà đầu tư mới sẽ thổi một luồng sinh khí mới, bởi đó là những tổ chức gạo cội, có tiềm lực tài chính mạnh và đã có thành công trên thị trường. Nhưng nhìn lại, ngay tại những ngân hàng trên, bản thân họ cũng đã có sự đồng hành của những cổ đông lớn, như tại TienPhongBank là những tên tuổi như FPT, MobiFone, SoftBank; hay tại Viet Capital Bank thời gian qua là “ông lớn” Vietcombank…
Cho nên, trước khi những nhà băng còn yếu, còn khó khăn có thể bứt phá, thì điều quan tâm trước hết là họ sẽ tiếp tục cầm cự được bao lâu khi có thêm sự tiếp sức đó.
Phan Thế Hưng
tbktvn
|