CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRONG 5 NĂM TỚI:
Thống đốc NHNN: Khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng
“Cơ cấu lại hay đổi mới liên tục hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng và nền kinh tế nói chung trong một nền kinh tế đang phát triển là yêu cầu thường xuyên để chủ động trong giải quyết các mâu thuẫn, tạo thêm xung lực mới cho phát triển, đồng thời đối phó có hiệu quả với những thách thức từ bên ngoài”.
TS Nguyễn Văn Bình - Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh) - đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.
Thưa Thống đốc, giai đoạn 2011-2015 tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ tập trung vào vấn đề gì?
- Giai đoạn này sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015, hình thành được ít nhất 1-2 ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong thời điểm hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì?
- Về thuận lợi, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được đặt trong chương trình tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế nên nhận được sự quyết tâm và đồng thuận cao về mặt chính trị - xã hội. Các TCTD ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải cơ cấu lại để hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.
Về khó khăn, nền kinh tế đang chịu áp lực lạm phát cao và còn tồn tại những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô. Nguồn lực của Chính phủ hạn chế do thâm hụt ngân sách lớn, nợ công đã ở mức cao và đang tăng nhanh. Các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tập trung kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt là vấn đề phá sản, quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tài chính. Kinh tế, tài chính thế giới diễn biến không thuận lợi. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng trong nước. Ngoài ra, tâm lý người dân không ổn định, dễ phản ứng thái quá nếu không được định hướng đúng đắn và tuyên truyền đầy đủ về các chủ trương, chính sách cơ cấu lại ngân hàng.
Xin Thống đốc cho biết nội dung chính gói giải pháp đồng bộ để cơ cấu hệ thống TCTD?
- Thứ nhất, khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật. Thứ hai, các TCTD cần được đánh giá, phân loại.
Các TCTD lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu TCTD yếu kém, không thể phục hồi được thì phải kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống các TCTD. TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.
Thứ ba, trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các NHTM nhà nước và các NHTM cổ phần lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước “bao cấp” toàn bộ cho việc cơ cấu lại TCTD. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các TCTD cần phải được chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền) theo quy định của pháp luật.
Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra đối với TCTD và lợi ích của Nhà nước, tài sản của nhân dân phải được bảo vệ tốt nhất. Thứ tư, thực hiện lành mạnh hóa tài chính với trọng tâm là xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ đủ vốn theo quy định của pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.
Quan điểm của Đảng và Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD là xuất phát từ thực tiễn khách quan của quy luật phát triển. VN không bị thúc ép phải cải cách, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng do bị rơi vào khủng hoảng như đã từng thấy ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Thứ năm, củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và giảm các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, kém hiệu quả. Tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá chiến lược và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất – chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ sáu, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn với các thông lệ chuẩn mực quốc tế. Tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng và tính đại chúng của các TCTD.
Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được tiến hành với chi phí thấp nhất, loại trừ nguy cơ đổ vỡ ngân hàng, bảo đảm giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội.
- Xin cảm ơn Thống đốc!
Bích Hằng thực hiện
Lao động
|