Các ngân hàng không tin nhau
Trong lúc các ngân hàng vượt rào để huy động tiền từ dân cư thì trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch lại nguội lạnh. Đều là kênh cấp vốn, tại sao 2 thị trường này lại bị phân biệt đối xử?
Bên trong một ngân hàng, không khí cuối năm hết sức căng thẳng. Hầu như mọi phòng ban đều chạy chỉ tiêu huy động vốn, kể cả những phòng không có chức năng này. Mức huy động tối thiểu một nhân viên (không thuộc bộ phận huy động vốn) được giao là 500 triệu đồng cho những ngày giáp Tết.
Cùng lúc đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người có tiền ngạc nhiên vì sao năm nay nhận được nhiều quà Tết của ngân hàng đến thế. Rồi họ cũng hiểu ra, khi đi kèm với quà là những cú điện thoại mời gửi tiền từ hàng chục ngân hàng khác nhau, bất kể lớn bé.
Và khi người người đi huy động vốn, chuyện ngân hàng vẫn phải tiếp tục cuộc đua lãi suất để giành khách hàng là tất yếu. “Có vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một ngân hàng còn nói với tôi là huy động giờ đã lên 21% rồi”. Phát biểu của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho thấy thanh khoản trong khối ngân hàng đã căng thẳng tới mức nào.
Tuy nhiên, trong lúc các ngân hàng chạy đôn chạy đáo trên thị trường 1 (huy động từ dân cư) để vét vốn, thị trường 2 (thị trường cho vay giữa các ngân hàng với nhau) và thị trường mở lại im ắng bất thường. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm trong những ngày đầu tuần qua giảm chỉ còn 14-15%, cho thấy giao dịch trên thị trường này khá ảm đạm.
Còn trên thị trường mở, nơi Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp vốn cho các ngân hàng thương mại thông qua việc mua bán các loại giấy tờ có giá, tình hình cũng không sôi nổi gì hơn. Khối lượng trúng thầu trái phiếu trong tháng 12 là 158.500 tỉ đồng, tăng 35% so với tháng 11. Tỉ lệ này quá khiêm tốn so với mức tăng 43% trong tháng 11 và đi ngược với quy luật nhu cầu vốn trên thị trường mở trong tháng 12 luôn cao hơn các tháng khác.
Rõ ràng, diễn biến ngược chiều trên 2 thị trường này đang hé lộ một vấn đề khá nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng: thị trường 2 đang tắc nghẽn. Nói cách khác, các ngân hàng không còn tin tưởng để cho vay lẫn nhau. Các ngân hàng thương mại lớn khi cho ngân hàng nhỏ vay trước đây chỉ yêu cầu tín chấp nay đã đòi phải có tài sản thế chấp. Và thường các ngân hàng cũng chỉ cho các ngân hàng khác vay khoản tiền tương đương 50% giá trị tài sản thế chấp.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, lượng vốn các ngân hàng cho vay lẫn nhau đã vào khoảng 500.000 tỉ đồng. Cùng với con số này là nợ xấu bắt đầu phát sinh, với mức được cho là không nhỏ hơn nợ xấu trên thị trường cho vay doanh nghiệp và dân cư.
Thị trường liên ngân hàng tắc nghẽn, áp lực thanh khoản dồn cả lên thị trường dân cư. Không khó để nhìn ra kịch bản trần lãi suất huy động sẽ lại bị chọc thủng với mức ngày càng mạo hiểm hơn. Như vậy, kỳ vọng giảm lãi suất cho vay từ quý II/2012 của doanh nghiệp hãy còn rất xa vời.
Hồ Lê
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|