Không thể có lãi suất huy động khủng 6% - 7% một tháng
Thống kê các vụ vỡ nợ lớn gần đây cho thấy khoản lãi 5%-7%/tháng chính là một trong những yếu tố chủ chốt để nhiều người đem tài sản (tiền, vàng, bất động sản...) đưa cho người huy động. Phân tích về góc độ tỷ suất lợi nhuận của đồng tiền bỏ vào đầu tư trong nền kinh tế, ở nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thì không thể tồn tại mức lãi suất kinh khủng như vậy.
Huy động vốn, cho vay với lãi cao bên ngoài hệ thống ngân hàng được dư luận gọi là “tín dụng đen”. Một khi thị trường vốn chưa hoàn thiện, phát triển bền vững, chưa cung ứng vốn cho mọi thành phần kinh tế thì dạng “tín dụng đen” này vẫn phát triển.
Vượt lãi ngân hàng đến sáu lần
Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động tiền đồng một tháng là 14%/năm, còn dưới một tháng thấp hơn chỉ 6%/năm.
Như vậy nếu gửi tiền cho ngân hàng thì một tháng người gửi chỉ nhận mức lãi khoảng 1,1%, tương ứng gửi 100 triệu đồng hàng tháng nhận lãi khoảng 1,1 triệu đồng, một năm khoảng 13 triệu đồng.
Ngược lại, với số tiền 100 triệu đồng đưa cho những người huy động bên ngoài với lãi suất 5%-7%/tháng thì lợi nhuận thu về sẽ cực khủng. Hàng tháng, người có tiền cho vay nhận về trung bình 5-7 triệu đồng, một năm nhận được tới... 84 triệu đồng, gần bằng số tiền vốn bỏ ra cho vay.
Mức lãi gần 100% so đồng vốn bỏ ra như thế này phải gọi là siêu khủng. Chỉ có đầu tư dạng đánh quả ở những lĩnh vực cực nóng, kiểu sáng mua vào giá một đồng, chiều bán ra với giá 10 đồng mới có được.
Chính vì sức hút quá lớn, đồng tiền lợi nhuận nhận về thấy ngay nên dạng tín dụng bên ngoài ngân hàng này phát triển mạnh, nhất là những lúc thị trường vốn khó khăn, có biến động.
Có lãi siêu khủng?
Theo cách tính hiện nay của giới tài chính, một năm đầu tư bỏ vốn cho sản xuất kinh doanh thì tỷ suất lợi nhuận trung bình mang về khoảng từ 20%-30%. Con số này chưa tính đến các rủi ro về tài chính, cháy nổ, hàng tồn kho... mà người sản xuất còn gánh chịu.
Như vậy, làm tròn số bỏ một trăm triệu đồng vào sản xuất kinh doanh lợi nhuận cả năm mang về khoảng 20-30 triệu đồng. Cách tính này được xem là phổ biến vì thống kê gần 500 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội cho thấy phần lớn lợi nhuận cũng được tính ở mức này.
Từ con số lợi nhuận chung trên, nếu so sánh với mức lãi huy động bên ngoài ở cách tính 7%/tháng, nhận lãi 84 triệu đồng năm thì tỷ suất lợi nhuận đầu tư cho sản xuất kinh doanh thấp khá xa. Số lãi đầu tư chân chính trong hoạt động kinh doanh chỉ chiếm khoảng 1/3 so với lãi cho vay bên ngoài.
Sự bất hợp lý đến độ vô lý của huy động vốn lãi 5%-7%/tháng còn thể hiện rõ khi đối chiếu nghiệp vụ cho vay của ngân hàng.
Lãi suất đầu ra (cho vay) của ngân hàng phản ánh khá trung thực lãi suất đầu vô (huy động) của ngân hàng. Thường mức chênh của hai nghiệp vụ này là khoảng 3%-4%. Nếu huy động lãi 14%/năm thì cho vay ra khoảng 18%-19%/năm.
Thử lấy lãi suất cho vay của ngân hàng cao nhất hiện nay là 24%/năm ở lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) thì một tháng cá nhân, doanh nghiệp đi vay phải trả ngân hàng lãi 2%/tháng. Mức 2%/tháng này còn thấp xa so với mức 5%-7% của tín dụng bên ngoài đi vay của người dân có tiền.
Huy động lãi cao để làm gì?
Một câu hỏi đặt ra là tại sao biết mức lãi huy động trên là vô lý mà người dân vẫn đem tài sản giao vào tay người huy động vốn? Lãi suất huy động cao bên ngoài ngân hàng xuất phát từ đâu? Dù chưa thể nói chính xác nhưng nguồn tiền huy động lãi suất cao lọc ra từ các vụ vỡ nợ ít nhiều dính dáng đến hoạt động đáo nợ ngân hàng.
Phải thừa nhận một điều là hiện nay, bên ngoài hệ thống ngân hàng vẫn còn một thị trường vốn khác linh hoạt nhưng khá rủi ro, cơ quan quản lý nhìn nhận đó là “tín dụng đen”.
Xét trong một phạm vi hẹp ở hoạt động cho vay đáo nợ đã bộc lộ bản chất vô lý về kinh tế. Cụ thể, nguồn tiền xoay đáo nợ thường được tính với thời gian khá ngắn, có khi tính theo từng ngày một. Không chỉ các bên vay mượn trong nền kinh tế chấp nhận mà đáo nợ còn được dùng cho các khoản vay ngân hàng đến hạn, thậm chí dùng để đảo nợ.
Ví dụ, một người vay ngân hàng 100 triệu đồng. Theo hợp đồng vay, đến cuối tháng người này phải trả hết nợ gốc và lãi. Cuối tháng, người vay không có được số tiền để trả. Lúc này, dịch vụ đáo nợ bên ngoài xuất hiện đưa tiền nóng 100 triệu đồng để người vay trả cho ngân hàng đúng hạn. Một tuần sau, ngân hàng giải ngân tiền cho người vay thì dịch vụ đáo nợ thu tiền gốc cộng số tiền lãi khoảng 5%-7% của 100 triệu đồng cho một tuần này. Kinh doanh ăn theo hoạt động ngân hàng nhưng lại là siêu lợi nhuận.
“Tín dụng đen” phát triển mạnh gần đây là vì nền kinh tế khó khăn, lạm phát cao, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, “tín dụng đen” còn xuất phát từ tập quán kinh doanh nhỏ, lẻ, kinh doanh bằng nguồn vốn tự có, vay mượn, nợ hàng hóa lẫn nhau kiểu uy tín cá nhân, tín chấp là chính. Đã có nhiều đề xuất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được Chính phủ bảo lãnh để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Dòng vốn từ “tín dụng đen” được ghi nhận là ít nhiều cũng xuất phát từ dòng vốn ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ nguồn vốn ở thị trường chính thức, tránh để nguồn vốn giá rẻ rót vào sai đối tượng, sai lĩnh vực, ngành... Nếu siết được việc này, chúng ta sẽ phần nào hạn chế được hoạt động huy động cho vay vốn bên ngoài ngân hàng, bóp nhỏ quy mô thị trường “tín dụng đen”.
BÙI NHƠN
Pháp Luật TPHCM
|