Thứ Hai, 30/01/2012 22:38

Bi kịch tín dụng đen

Vay mượn là kịch bản, pháp luật là sân khấu, dân chúng là khán giả, còn chủ nợ và con nợ là đạo diễn kiêm diễn viên.

Năm 2011 đã cuốn tung hàng chục, hàng trăm tỷ đồng từ một loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen. Bi kịch tín dụng đen tràn lan từ Bắc vô Nam, từ quê nghèo đến phố lớn, trong đó vay mượn là kịch bản, pháp luật là sân khấu, dân chúng là khán giả, còn chủ nợ và con nợ là đạo diễn kiêm diễn viên.

Kịch bản

Người ta có trăm ngàn lý do cần đến tiền, nhưng không dễ gì kiếm được nguồn vốn, nhất là vốn vay ngân hàng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, lạm phát lớn, lãi suất cao, điều kiện cho vay chặt chẽ, tín dụng bị siết chặt. Để giải toả cơn khát vốn tột đỉnh, buộc phải vay mượn tung lung và đó là lý do dẫn đến tín dụng đen bùng phát.

Không phải cứ lãi cao là tín dụng đen, nhưng tín dụng đen luôn đi liền với lãi suất cao, nguồn cơn là lợi suất cao.

Đầu tiên là con mồi siêu lãi dẫn dụ để gom vốn, thường là dăm bảy chục phần trăm mỗi năm. Không ít khổ chủ đã móc sạch hầu bao, thậm chí bán hoặc thế chấp nhà cửa vay vốn người khác để cho vay lại.

Cuối cùng tay trắng vì ham, vì dại, vì nhẹ dạ, cả tin trước những món lợi trước mắt, những lời hứa hẹn hươu vượn về tiền bạc, hàng hoá, dự án hoành tráng.

Qua vài lớp kịch, lãi ngày một cao hơn, đến lớp diễn viên phải đi vay vốn cuối cùng thì lãi lên đỉnh điểm, rẻ thì vài nghìn, đắt thì tới cả chục ngàn đồng/triệu/ngày trở lên, tức từ 100 - 200% đến 300 - 400%/năm.

Người vay thật sự không làm gì, lấy gì ra để trả được mức lãi khủng khi phải vay tín dụng đen. Vì vậy, nguy cơ đổ vỡ chỉ còn là ngày tháng. Và chỉ cần một mắt xích vỡ nợ là đủ để sụp đổ cả đường dây tín dụng đen.

Nhưng không chỉ có lãi cao, song hành cấu thành nên tín dụng đen còn phải kèm theo yếu tố không sạch và thiếu minh bạch, rõ ràng.

Tín dụng đen luôn lòng vòng, chuyền qua nhiều diễn viên, không biết vay để làm gì, không biết lấy gì ra mà trả lãi, luôn đi đôi với giang hồ xã hội đen, mờ ám, lừa đảo, đe dọa, hành hung, cưỡng bức, bạo lực.

Khó tránh khỏi có cả tiền vốn ngân hàng chạy vào tín dụng đen và ngược lại, trong đó không ít “diễn viên” trong nhà băng đã nối giáo cho giặc: trộn lẫn cả kịch bản và vai diễn thật giả để vay vốn đảo nợ, vay hộ, vay ké, vay tiền mồi, vay để cho vay lại, để lấp liếm tạm thời sự đổ vỡ.

Người mất tiền do phạm vào lời nguyền của quy luật rủi ro tăng theo lợi nhuận đã đành, tiếc cho nhiều diễn viên bất đắc dĩ, không vì ham lãi cao, chẳng nhằm hưởng lợi lớn, thế nhưng vẫn bị kéo vào vòng quay tín dụng đen.

Đặc biệt, đáng tiếc trước bi kịch “của đau con xót”, một số chủ nợ còn mất thêm tiền thuê mướn người đòi nợ hòng gỡ gạc phần nào.

Và không ít trường hợp tự biến mình từ chủ nợ thành tội đồ, từ bị hại thành bị cáo, tiền mất, tật mang bởi chót thuê những nhân vật phản diện cộm cán bắt giữ, cưỡng đoạt trái phép tài sản của con nợ.

Diễn viên

Có 3 nhóm diễn viên tham gia vào vở kịch tín dụng đen, đó là nhóm người cho vay đầu tiên, nhóm người đi vay cuối cùng và nhóm người trung gian, đi vay để cho vay lại.

Nhóm đầu và cuối chủ yếu vào vai nạn nhân. Nhóm giữa thường sắm vai đạo diễn kiêm diễn viên, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.

Nhóm cho vay đầu tiên, từa tựa như nhà đầu tư chứng khoán. Nhưng đầu tư kiểu ném nhầm tất cả trứng vào một giỏ chứng khoán, dốc hết của nả, nhà cửa vào canh bạc tín dụng ngoài luồng.

Lãi suất 10-20%/năm, người ta chỉ muốn gửi ngân hàng. Lãi suất 30-40%/năm, người ta dễ dàng gửi trứng ra ngoài. Còn lãi suất tới 50 -60% trở lên, thì thiên hạ rất dễ gửi trứng cho ác, như thể bị “ma lợi nhuận” đưa lối, “quỷ lãi suất” dẫn đường.

Nhà đầu tư kiếm được chút lãi cao như trong cơn say chứng khoán, không những tự huyễn hoặc mình nhập vai, mà còn nhiệt tình lôi kéo nhiều diễn viên đóng thế, trong đó luôn “ưu tiên” những người thân thích.

Nhóm đi vay cuối cùng, là người được sử dụng nguồn vốn, nhưng cũng luôn là diễn viên bị lợi dụng, bị bóc lột nặng nề.

Họ thường rơi vào hoàn cảnh bí bách, bị thúc ép phải vay với lãi suất cao chót vót, lãi đơn đã cao, còn phải trả thêm lãi kép, lãi mẹ đã kinh, còn phải gánh cả lãi con.

Sức nào, làm ăn, buôn bán cái gì để chịu được lãi suất lên tới ba con số? Sau khi cấu xén chỗ nọ hòng vá víu, đắp điếm chỗ khác, cầm cự vài hồi, đành hạ màn, rũ vai, mặc cho vỡ kịch.

Nhóm trung gian, ăn hai mang, là chủ nợ kiêm con nợ, sắm cả hai vai đạo diễn lẫn diễn viên. Trung gian nhưng không như môi giới chứng khoán, mà đóng vai ngân hàng, tất nhiên là buôn tiền vô phép.

Nhóm này là khung sườn dựng lên quái kịch tín dụng đen, chuyên nghề thả con săn sắt, bắt con cá rô. Họ dùng mọi tài nghệ gom tiền của người này để chuyển cho người khác vay lại, ở giữa kiếm “cát sê” vài chục phần trăm. Mồi nhử gom tiền luôn luôn chỉ là lãi suất cao, được nguỵ trang khéo léo để lừa con mồi.

Để lừa phỉnh cá cắn câu, những vai kép này thường áp dụng nghệ thuật biểu diễn giống nhau là mua lòng tin bằng vai diễn sống động: tậu nhà, xe đắt tiền; mua sắm đồ dùng, trang sức quý giá giàu có; trả lãi sòng phẳng; thể hiện đẳng cấp. Kết quả, nạn nhân bị đánh lừa con đen, loá mắt với thực tế ảo, ném tiền vào canh bạc.

Càng đông nhân vật, càng dầy lớp lang đường dây, càng lắm cao trào lãi suất, thì càng nhiều kịch tính và tất yếu đưa kịch bản tín dụng đen đến hồi vỡ nợ, tức phá sản ngoài vòng pháp luật.

TTCK, tín dụng và nhà đất bi đát năm qua không phải là thủ phạm, nhưng là xúc tác đồng loạt dồn ép tín dụng đen đổ bể cấp tập và nặng nề hơn.

Sân khấu

Nếu pháp luật là sân khấu diễn tuồng, thì kịch bản cho vay nào sẽ được công diễn và cấm diễn? Soi vào ánh đèn sân khấu, lộ ra bên cạnh việc cho vay mức lãi thấp hơn huy động cũng vi phạm pháp luật, thì cho vay mức lãi ngất ngưởng cũng vẫn không sai (!?).

Với tín dụng đen, pháp luật lại càng tù mù đến mức bất lực, từ pháp luật ngân hàng, kinh tế, dân sự, hành chính cho đến hình sự.

Luật Các tổ chức tín dụng “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng”, tức là hoạt động vay vốn và cho vay. Nhưng không có ranh giới nào phân biệt giữa hoạt động vay vốn hợp pháp và bất hợp pháp lâu nay ở ngoài ngân hàng.

Riêng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thì được diễn trên sân khấu riêng và vi phạm trong mảng này thì chỉ có NHNN xử lý. Nhưng xưa nay bắt chả được mấy vụ và phạt thì cũng mới chỉ vài trường hợp.

Nếu cứ chiểu đúng quy định của Bộ luật Dân sự, thì kịch bản cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN quy định, tức tối đa 13,5%/năm, trong khi lãi suất huy động danh nghĩa của ngân hàng trong năm qua đã là 14%/năm, còn lãi suất thực chất thì hẳn là cao hơn lạm phát 18,58%. Neo mức lãi suất cơ bản 9%/năm, NHNN đã đẩy gần như 100% các hợp đồng vay tiền ở ngoài ngân hàng vào tình trạng phạm luật.

Vi phạm tràn lan ngoài sân khấu ngân hàng, chỉ khi có kiện cáo kinh tế, dân sự ra toà, mới soi xét kiểm duyệt gạt bỏ tình tiết nào vượt quá trần lãi suất dân sự.

Đương nhiên, pháp luật buộc con nợ có vay có trả, chỉ có điều khó thu hồi được công cụ diễn xuất quan trọng nhất là tiền bạc, vào lúc bi kịch vỡ nợ, phá sản đã hạ màn.

Về hành chính, nếu diễn ra kịch bản cho vay lãi cao gấp vài ba, thậm chí cả chục lần giới hạn của Bộ luật Dân sự, thì cũng chẳng hề bị xử phạt. Vì pháp luật hành chính chưa có quy định xử phạt bất kỳ nhân vật nào cho vay vượt trần lãi suất.

Còn Bộ luật Hình sự thì có một điều luật dường như chỉ để hù doạ khán giả. Một người chỉ có thể phạm vào “Tội cho vay lãi nặng” nếu đồng thời vi phạm 2 điều kiện là: “cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên” và “có tính chất chuyên bóc lột”.

Điều kiện thứ hai chẳng dễ chứng minh, vì trên sân khấu tín dụng đen, biết ai là diễn viên bóc lột chuyên nghiệp?

Chỉ riêng điều kiện thứ nhất cũng đã làm cho ban giám khảo rơi vào bế tắc, vì biết đâu là “mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định”? Trần 13,5%/năm nói trên không thể coi là mức lãi suất cao nhất, vì ngân hàng vay của dân còn 14%/năm, rồi cho nhau vay và cho khách hàng vay 25 -30%/năm hay cao hơn nữa cũng vẫn rất hợp pháp kia mà.

Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (margin) cũng sánh vai công diễn cùng ngân hàng. Chưa kể đến lãi suất cầm đồ, thì vẫn mặc định cho phép cao hơn lãi suất ngân hàng 3-4 lần như pháp luật đã từng quy định trong suốt nhiều năm trước đây.

Vậy nếu cho rằng mốc 13,5%/năm là cho vay nặng lãi thì coi chừng hình sự hoá quan hệ dân sự, gây ra án oan Thị Kính?

Vì vậy, các cơ quan pháp luật chùn tay trước nguy cơ xử phạt oan sai, e ngại đưa ra truy tố, xét xử tội trạng và chỉ muốn đẩy những vụ cho vay nặng lãi sang quan hệ vay mượn dân sự.

Thành thử, những con nợ này nghiễm nhiên đã được pháp luật ân xá, thậm chí cơ quan soạn thảo chính sách còn biến khái niệm “con nợ” trên sân khấu cuộc đời thành “khách nợ” trong Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Sự nhẹ tay của pháp luật chính là một trong những thủ phạm đã tạo sân chơi thiếu lành mạnh, dung dưỡng cả làng, cả tổng vi phạm pháp luật vay vốn và cho vay, suốt từ xuân này qua tết khác. Buồn thay, trên sân khấu ấy, các chiêu trò bi hài kịch cho vay nặng lãi vẫn diễn ra, chưa thấy gì khác vào năm 2012!

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Hấp dẫn tín dụng ngoại tệ (30/01/2012)

>   Phó chủ tịch Liên Việt: “Doanh nghiệp chỉ nên vay vừa phải để cầm cự” (30/01/2012)

>   USD tự do lên 21.200 đồng (30/01/2012)

>   'Nhà nước không bao cấp chi phí tái cơ cấu ngân hàng' (30/01/2012)

>   Linh hoạt để hạ lãi suất (29/01/2012)

>   Vào cuộc tái cấu trúc ngân hàng (28/01/2012)

>   Sáp nhập ngân hàng: Khi người ta… mới (27/01/2012)

>   Ngân hàng đau đầu với “rủi ro đạo đức” (27/01/2012)

>   Tín hiệu tích cực trên thị trường ngoại hối Tết Nhâm Thìn (27/01/2012)

>   TS Vũ Viết Ngoạn: Mặt bằng lãi suất năm 2012 cần giảm 4 - 5% (27/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật