Thứ Năm, 02/02/2012 11:42

Tiềm lực của ngân hàng Việt còn mong manh

Đó là ý kiến của ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK.

Ông Sanjay Kalra nói: “Sức mạnh của đồng nội tệ và hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn mong manh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tài chính từ nước ngoài còn thấp. Do đó, việc duy trì sự chặt chẽ trong chính sách tài chính tiền tệ là rất quan trọng. Đồng thời, cần tạo ra được một nền tảng tăng trưởng nhanh chóng và vững chắc hơn cho lĩnh vực tài chính thông qua các biện pháp cụ thể, rõ ràng”.

Nhìn lại năm 2011, theo ông, những thử thách cơ bản đối với nền kinh tế Việt Nam là gì?

Đối với kinh tế Việt Nam, năm 2011 là một năm tương đối khó khăn do bị đặt dưới tác động của quá trình tăng trưởng tín dụng quá mức trong suốt nhiều năm liền, song song với đó là sự mở rộng tài chính khá lớn trong năm 2009.

Ngoài ra, sự mất cân bằng mà các yếu tố này tạo ra trong hệ thống tài chính, đặc biệt là trong cán cân thanh toán của các ngân hàng yếu và nhỏ đã dần trở thành vấn đề nan giải.

Ta cũng dễ dàng nhận ra, trong năm 2011, thị trường bất động sản đóng băng thanh khoản và giảm giá mạnh sau nhiều năm được đầu tư và xây dựng quá mức. Tất cả những yếu tố này đã góp phần vào sự bất ổn định của nền kinh tế vĩ mô và những khó khăn trong nền kinh tế.

Những khó khăn này phần nào là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá tiền đồng, lạm phát cao và khiến cho lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng không còn được như trước.

Đỉnh lạm phát lên cao nhất ở mức trên 20% vào khoảng giữa năm và tiếp tục duy trì ở mức hai con số trong suốt những tháng còn lại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giải quyết nhiều nút thắt đã tồn tại từ lâu, trong đó có thị trường ngoại tệ, liên ngân hàng và tín dụng. Một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán, đã phải đối mặt với áp lực lớn về thanh khoản.

Đâu là yếu tố tác động lớn hơn đến nền kinh tế Việt Nam, tác động từ bên ngoài hay là các yếu tố nội tại, thưa ông?

Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, với tỷ lệ thương mại quốc tế so với GDP tương đối cao. Vì vậy, việc chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế toàn cầu là dễ hiểu, trong đó bao gồm sự tăng trưởng kinh tế thế giới, nhu cầu của các nước đối tác thương mại và giá cả hàng hoá trên thị trường quốc tế.

Việt Nam cũng liên kết với nền kinh tế toàn cầu thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và ở mức độ ít hơn là đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Đồng thời, sự phát triển trong nước cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Do đó, cả hai yếu tố trong và ngoài nước đều có mức độ tác động như nhau đối với nền kinh tế Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã vạch rõ ba trụ cột cho sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế là: tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm đầu tư công và tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính. Ông kỳ vọng gì vào khả năng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc cải cách ba trụ cột này?

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Chính phủ rằng, cải cách trong các lĩnh vực này rất quan trọng để giúp nâng cao hiệu quả và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả ngốn một phần đáng kể trong lượng tín dụng cung ứng ra thị trường. Đồng thời, các khoản nợ của họ đã tạo một khoảng tối trong cả hệ thống tài chính, cũng như làm giảm niềm tin của thị trường đối với hệ thống ngân hàng.

Nâng cao hiệu quả đầu tư là cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng với chi phí thấp và để chứng minh rằng, nguồn vốn hỗ trợ bên ngoài được đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả.

Cải cách và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ đảm bảo cho lĩnh vực tài chính một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng và phân bổ tín dụng một cách hiệu quả cho nền kinh tế.

Chính phủ đã cam kết tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 vào năm 2012 để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Nghị quyết 11 đang tiếp tục được thực thi và chấp hành một cách khá nghiêm túc. Trong đó, chính sách tiền tệ đã được thắt chặt, thâm hụt ngân sách giảm xuống và những bước đi khá mạnh để bảo vệ sự ổn định hệ thống tài chính đã được thực hiện. Có thể nói, đó là những nỗ lực rất đáng hoan nghênh của Chính phủ.

Tuy nhiên, để thực hiện một cách tốt hơn nữa, chúng ta cần lưu ý đến một số vấn đề: sức mạnh của tiền đồng và hệ thống ngân hàng vẫn còn mong manh.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tài chính từ nước ngoài còn thấp. Chính vì vậy, việc duy trì sự chặt chẽ trong chính sách tài chính tiền tệ là rất quan trọng.

Chúng ta cần tạo ra được một nền tảng tăng trưởng nhanh chóng và vững chắc hơn cho lĩnh vực tài chính, thông qua các biện pháp cụ thể, rõ ràng.

Chúng tôi đồng thuận với quyết tâm của Chính phủ trong quá trình thiết lập lại sự ổn định kinh tế và tài chính, cũng như nâng cao hiệu quả tăng trưởng thông qua cải cách cơ cấu kinh tế.

Dự đoán của ông về nền kinh tế Việt Nam năm 2012?

Năm 2012 vẫn sẽ là một năm đầy thử thách. Chúng tôi rất hy vọng rằng, Chính phủ vẫn kiên định trong việc thiết lập lại sự ổn định kinh tế vĩ mô, ngay cả khi phải đối mặt với những áp lực từ nhiều phía.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải không ít khó khăn, nhưng nếu thực hiện tốt, niềm tin của công chúng và cộng đồng quốc tế trong hoạch định chính sách kinh tế tại Việt Nam sẽ được khôi phục một cách vững chắc. Điều này chắc chắn mang lại những lợi ích đáng kể đối nền kinh tế với Việt Nam.

Hồng Dung thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tín dụng ngoại tệ vẫn bị siết (02/02/2012)

>   Tiền đồng sẽ giành lại vị thế? (02/02/2012)

>   Một số tổ chức tín dụng tại TPHCM có nợ xấu cao hơn 5% (01/02/2012)

>   Đổi giờ làm không xáo trộn hoạt động ngân hàng, siêu thị (01/02/2012)

>   Giá USD tiếp tục hạ nhiệt sau Tết (01/02/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tăng đến 6.8% (01/02/2012)

>   Ngân hàng tìm cách thể hiện (01/02/2012)

>   Xử phạt 3 DN du lịch niêm yết giá dịch vụ bằng ngoại tệ (01/02/2012)

>   Cần “cú hích” cho thanh toán qua thẻ (31/01/2012)

>   Các ngân hàng thương mại bán USD ở mức kịch trần (31/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật