Thứ Bảy, 04/02/2012 17:44

Tỉ giá chưa “căng”

Tuy tình trạng xáo trộn rất mạnh của tỉ giá trước Tết Nguyên đán đã đi vào bình ổn, nhưng áp lực tăng trở lại của USD vẫn chưa có dấu hiệu "căng”.

Tỉ giá giảm vì tiền đồng "hẻo”?

Biến động bất ngờ nhất của thị trường ngoại tệ ngay trước thời điểm nghỉ Tết là việc các ngân hàng thương mại lớn đồng loạt hạ giá mua vào lẫn bán ra với USD. Mặc dù tỉ giá trung tâm vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ cố định ở mức 20.828 đồng cho mỗi USD, nhưng lần đầu tiên sau rất nhiều tháng, các ngân hàng đã giảm mạnh giá mua vào và bán ra dưới giá trần.

Đã có thời điểm như các ngày 19 – 20-1-2012, các ngân hàng lớn như Vietcombank - VCB, Eximbank - EIB, BIDV chào giá bán thấp hơn giá trần cho phép tới trên 100 đồng/USD. Giá mua vào cũng giảm rất mạnh và các ngân hàng bắt đầu kéo rộng mức chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.

Khi giảm giá mua vào, tăng mạnh mức chênh lệch mua/bán, các ngân hàng sẽ hưởng lợi. Tổ chức tài chính có điều kiện mua được ở giá thấp và bán ra giá cao, mặc dù có thể không sát trần chính thức. Chẳng hạn, Vietcombank ghi nhận kỷ lục về mức chênh lệch tới 300 đồng cho mỗi USD mua vào và bán ra. Mức chênh lệch cực lớn này duy trì suốt 5 ngày áp chót tháng 1-2012. Nên nhớ rằng mức chênh lệch giá mua và bán của ngân hàng này trong cả năm 2011 đều thấp hơn 6 đồng cho mỗi USD. Chênh lệch càng hẹp thì ngân hàng càng lãi ít, nếu không muốn nói là chỉ đủ bù đắp chi phí dịch vụ.

Việc các ngân hàng có thể giảm giá mua vào và tăng mạnh chênh lệch giá mua/bán chỉ có thể lý giải từ góc độ nguồn cung dồi dào. Lượng cung sẵn có của USD có tăng lên so với trước hay không là điều khó nói, nhưng chắc chắn nhu cầu bán USD đã tăng lên. Hiện tượng này rất trùng hợp với áp lực thanh khoản tiền đồng cực kỳ căng thẳng trong hai tuần cuối tháng 1 vừa qua, khi nhu cầu tất toán, sử dụng tiền mặt tăng đột biến.

Thông thường nhu cầu thanh toán bằng tiền đồng trước kỳ nghỉ Tết tăng lên. Nếu thanh khoản tiền đồng dồi dào, tỉ giá sẽ không biến động nhiều. Ngược lại, có thể các tổ chức kinh doanh thiếu tiền đồng, buộc phải sử dụng đến nguồn USD. Ghi nhận của Bloomberg, tình trạng căng thẳng thanh khoản tiền đồng biểu hiện rất rõ nét ở lãi suất liên ngân hàng, tăng khoảng 50-100 điểm cơ bản ngay từ tuần đầu tiên của tháng 1. Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng cường bơm vốn rất mạnh.

Sức nặng của chính sách

Câu hỏi là liệu khi "mùa Tết” của VND qua đi, áp lực giảm giá sẽ quay trở lại ở mức độ nào? Sau Tết xu hướng tăng huy động VND của hệ thống ngân hàng sẽ về trạng thái bình thường. Mức vốn huy động trong tháng 1 giảm là điều bình thường vì phù hợp với sức tiêu dùng tăng lên trong dịp mua sắp cận Tết. Huy động sẽ tăng trở lại trong tháng 2.

Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ, những biến động đầu tiên trên thị trường ngoại hối đã được ghi nhận. Các ngân hàng lớn đã quay trở lại niêm yết giá ở mức bình thường. Giá bán ra với USD quay lại kịch biên độ cho phép. Riêng ngày 3-2, Vietcombank, Eximbank và BIDV lại bán ra thấp hơn trần từ 16 -36 đồng cho mỗi USD. Tuy nhiên chênh lệch giá mua và bán vẫn ở mức cao, từ 70-110 đồng/USD. Mức chênh lệch này đã giảm nhiều so với thời điểm trước Tết.

Có thể thời gian còn quá ngắn để thị trường phản ánh trung thực về áp lực tăng giá trở lại của USD. Dù sao áp lực này vẫn chưa "căng” lắm. Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đã có những thông điệp trấn an thị trường và kinh nghiệm điều hành trong nửa cuối năm 2011 đã cho thấy, khả năng bình ổn ở mức chấp nhận được là có cơ sở.

Sức ép đối với tỉ giá đã giảm nhiều ngay từ tháng 1-2012 do vốn FDI giải ngân và kiều hối tăng lên. Sự cải thiện trong cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối cũng khiến kỳ vọng tăng giá của USD không nhiều. Vấn đề còn lại là khả năng kiềm chế lạm phát có được như kế hoạch hay không vì khi lạm phát tăng lên thì tiền đồng lại mất giá. Một số dự báo của tổ chức trong nước cho rằng, mức tăng giá của USD sẽ chỉ từ 2-4% cho cả năm nay. Thông điệp của Ngân hàng nhà nước cũng đưa ra mức giảm giá với VND không quá 3%. Thực thi tốt những chính sách được đề ra cũng sẽ góp phần tăng sức nặng của cam kết, như đã một lần thành công trong năm 2011.

Trọng Nghĩa

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Đầu năm, ngân hàng tung tiện ích mới (04/02/2012)

>   Huy động vàng: Thách thức từ tính bảo thủ (04/02/2012)

>   Cẩn trọng khi vay ngoại tệ (03/02/2012)

>   Nghi vấn lách trần lãi suất... (03/02/2012)

>   Nợ xấu cao, nhiều ngân hàng có nguy cơ mất vốn (03/02/2012)

>   Ngân hàng châu Á: Triển vọng tín nhiệm ổn định (03/02/2012)

>   Tiếp tục kìm giữ tỷ giá là con dao hai lưỡi (03/02/2012)

>   Chật vật tìm 'cửa' vay tiền (03/02/2012)

>   Thuốc sắp ngấm! (03/02/2012)

>   Thêm cung, ngân hàng đồng loạt yết giá bán USD dưới trần (03/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật