Quay lại cơ chế độc quyền hàng không?
Có ý kiến cho rằng: Nắm giữ trên 69% cổ phần, những quyết định của Vietnam Airlines sẽ “áp đảo” Jetstar Pacific Airlines, thậm chí ảnh hưởng các hãng hàng không giá rẻ khác.
Ngày 1-3, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) sẽ hoàn tất thủ tục chuyển giao và chính thức tiếp quản quyền đại diện phần vốn nhà nước tại Jetstar Pacific Airlines (JPA) với tỉ lệ nắm giữ cổ phần 69,93%.
Tập đoàn Quantas của Úc sẽ là cổ đông lớn thứ hai với tỉ lệ góp vốn 27% và tới đây được nâng thêm 3%. Ông Dương Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc VNA, sẽ làm chủ tịch Hội đồng Quản trị JPA. Ngoài ra, ông Lê Hồng Hà, Giám đốc VNA khu vực miền Trung, cũng được bầu làm tổng giám đốc của JPA.
“Chưa thể nói điều gì”
Trước đó, ngày 21-2, Jetstar Pacific đã có buổi đại hội cổ đông bất thường để thống nhất định hướng chiến lược và các giải pháp cần thiết để đưa JPA trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Thực tế, câu chuyện về VNA tiếp quản phần vốn nhà nước tại JPA đã có ngay từ tháng 1-2012. Nhiều tờ báo đã đặt câu hỏi về số phận hàng không giá rẻ sau khi Jetstar Pacific “thuộc” về VNA. Tuy nhiên, mọi câu trả lời đều rất chung chung.
Ông Bruce Buchanan, Tổng Giám đốc Jetstar Group, tại buổi đại hội cổ đông trên cũng khá kiệm lời. Ông chỉ chia sẻ: “Chúng tôi chào đón VNA trở thành đối tác mới tại Jetstar Pacific. Chúng tôi tin rằng quan hệ hợp tác giữa một hãng hàng không chi phí thấp và một hãng hàng không truyền thống sẽ tiếp nối thành công của mô hình hợp tác giữa Qantas và Jetstar tại Úc”.
|
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, việc VNA tiếp quản Jetstar có nguy cơ hủy diệt tính cạnh tranh trên thị trường hàng không. |
Cũng theo vị này, sự hiện diện của hàng không giá rẻ tại Việt Nam còn mờ nhạt. Việc VNA tiếp quản JPA sẽ tạo được những dấu hiệu tích cực để có thể tạo ra phân khúc khách hàng mới sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ tại châu Á, kể cả tại Việt Nam.
Vậy các hãng hàng không giá rẻ nhận định gì? Đại diện của Air Mekong cho rằng thời điểm này chưa thể nói trước điều gì. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi thị trường hàng không có bị ảnh hưởng hay không thì vị này cũng thừa nhận “sẽ có ảnh hưởng”.
Cũng theo vị đại diện này thì các hãng hàng không mới ra đời hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và đang chấp nhận lỗ. Bàn về xu hướng giá vé máy bay trong thời gian tới, nhất là khi VNA nắm quyền ở JPA, vị này cho rằng: “Chúng tôi chỉ là một thành viên nhỏ trên thị trường, sẽ liệu cơm gắp mắm thôi. Câu hỏi về chính sách giá thì nên đặt cho những hãng có thị phần chi phối”.
Còn theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành của Vietjet Air, đây là thời điểm khá “nhạy cảm” nên không đưa ra bất cứ bình luận nào. Ông Khánh cho rằng phải thêm thời gian nữa, VietJet mới có câu trả lời chính thức.
Hủy diệt tính cạnh tranh?
Theo thống kê của Bộ GTVT, tính đến thời điểm giữa 2011, VNA nắm khoảng 80% thị phần hàng không nội địa, còn JPA nắm khoảng 17%. Vậy với việc VNA nắm quyền ở JPA liệu có khiến thị trường hàng không nội địa quay trở lại câu chuyện độc quyền?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM , TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: Việc sáp nhập này sẽ khiến tính cạnh tranh của thị trường hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng. Khi đó, chiến lược kinh doanh của Jetstar có thể sẽ bị chi phối rất lớn bởi người đại diện của VNA. Trước đây, khi JPA ra đời, nó đã tạo ra một phân khúc mới cho thị trường là hàng không giá rẻ, cạnh tranh với thị trường hàng không bình thường của VNA. Hai phân khúc này có những khác biệt về dịch vụ, nhóm đối tượng sử dụng nhưng vẫn có thể thay thế cho nhau và cạnh tranh nhau ở mức độ đáng kể.
“Việc VNA tiếp quản Jetstar có nguy cơ hủy diệt tính cạnh tranh. Chưa kể, sẽ có những giả thiết: VNA tiếp quản sẽ đưa ra rất nhiều lý do hợp lý để xóa bỏ phân khúc đó, hoặc để phân khúc đó chết đi thì sao?” - ông Sơn đặt vấn đề. Như vậy, cũng theo ông Sơn, khi đã chọn mô hình “hầu như độc quyền” thì nhà quản lý phải hiểu được độ rủi ro của nó. “Nhà nước phải có cơ chế giám sát chặt để bảo vệ doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng” - ông Sơn nói.
Chiều 28-2, ông Lê Hồng Hà, Giám đốc của VNA khu vực miền Trung (người mới được bầu làm tổng giám đốc của JPA), cho biết: “JPA vẫn sẽ tiếp tục đi theo chiến lược và các giải pháp về mô hình hãng hàng không giá rẻ. Còn cụ thể như thế nào thì sau khi tiếp quản chính thức và nghiên cứu, chúng tôi mới có thể tính toán phù hợp sao cho hoạt động của JPA ngày càng tốt hơn”.
Trước đó, tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT, trả lời câu hỏi của báo chí việc VNA sẽ giữ vai trò đại diện vốn nhà nước tại JPA khiến dư luận lo ngại sẽ làm tăng tính độc quyền của VNA, ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, cho rằng: Dù không có chuyện đó thì với 80% thị phần hiện có, VNA đã độc quyền rồi!
Ông Thắng khẳng định: “Việc này không có gì xấu về mặt thị trường, Chính phủ và Bộ GTVT sẽ vẫn tiếp tục mở rộng để các hãng hàng không tư nhân khác tham gia... JPA thuộc chủ sở hữu, sau nhiều năm hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Dù đã thực hiện tái cơ cấu Jetstar Pacific nhưng cho đến nay tình hình cũng không mấy khả quan. Vì thế, sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp là việc cần thiết”.
Thành Văn |
Mai Phương
Pháp luật TPHCM
|