Ngành thép: "Cá lớn" nuốt "cá bé"
Trong khi 5 DN thép tuyên bố phá sản và nhiều DN khác trong trạng thái “chết lâm sàng”, thì một số DN thép quy mô lớn vẫn tăng trưởng khá ổn định.
Thị phần DN lớn “phình” to
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2011, lượng thép sản xuất toàn ngành giảm 14,3%, sản lượng thép tiêu thụ giảm 15,6% so với năm 2010. Các DN thành viên Hiệp hội giảm 1,78% về sản lượng sản xuất và 1,55% sản lượng tiêu thụ.
Đứng đầu thị phần ngành thép hiện nay theo thứ tự từ cao xuống thấp là Pomina (POM), Hòa Phát (HPG), Tisco, VNS và Vinakyoei, những DN có lợi thế về công nghệ. Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp của Hòa Phát, với mức tăng trưởng sản lượng sản xuất 9% và sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với năm 2011.
Thống kê sản lượng, thị phần 5 DN thép dẫn đầu thị trường (năm 2011) |
|
Sản lượng sản xuất (ngàn tấn) |
Sản lượng tiêu thụ (ngàn tấn) |
Thị phần (%) |
Pomina |
755 |
747 |
15,6% |
Hòa Phát |
654 |
644 |
13,2% |
Tisco |
611 |
589 |
12,3 |
VNS |
392 |
392 |
8,2% |
Vinakyoei |
383 |
374 |
7,8% | (Nguồn: VSA) |
Trong bối cảnh sản lượng toàn ngành sụt giảm thì việc một số DN vẫn tăng trưởng sản lượng tiêu thụ, có nghĩa là những DN này đang chiếm “miếng bánh” thị phần của các DN còn lại, khiến thị phần của các DN đó bị thu hẹp. Được biết, năm 2011, đã có 5 DN thép phá sản và nhiều công ty thép khác trong trạng thái “chết lâm sàng”.
Năm nay, Hiệp hội Thép Việt Nam ước tính lượng thép xây dựng tiêu thụ đạt 5 triệu tấn, tăng 4% so với năm trước. Trong khi đó, năng lực sản xuất thép xây dựng tiếp tục tăng lên và Pomina vẫn là công ty dẫn đầu về thị phần thép xây dựng.
CTCP Thép Pomina (POM) cho biết, trong quý I/2012, nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm (Nhà máy POM 3) sẽ chính thức đi vào hoạt động. POM hiện đang chiếm ưu thế về công nghệ lò điện với mức tiêu hao nhiên liệu cạnh tranh hơn so với các nhà máy luyện và cán thép khác trong nước. Theo POM thì với nhà máy mới, POM sẽ cung cấp đủ phôi thép cho năng lực cán, thay thế nhập khẩu giúp giảm chi phí.
Ngành thép vẫn tiếp tục khó khăn
Trong quý IV/2011, nhiều DN ngành thép thua lỗ do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán lại không tăng theo tương ứng. Theo tính toán của HSC, chi phí đầu vào ngành thép bình quân tăng 25% trong năm 2011, còn giá bán tăng 17,8%.
HSC nhận định, giữa biến động lãi suất và mức tiêu thụ thép có một độ trễ khoảng 2 quý, nghĩa là sức tiêu thụ thép giảm theo lập luận trên sẽ rơi vào nửa đầu năm 2012. Trong quý I, vào dịp Tết Nguyên đán, sản lượng tiêu thụ của các DN thép nhìn chung giảm mạnh. Tình hình tiêu thụ sau Tết tuy đã nhích lên nhưng vẫn chỉ bằng 80% cùng kỳ.
Quan sát thị trường bất động sản, có thể thấy, ngành thép vẫn chưa thể phục hồi về sản lượng tiêu thụ vì hầu hết các dự án chung cư đều án binh bất động. Chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu có thể giúp các DN duy trì sản xuất ổn định nhưng tỷ suất lợi nhuận lại không bằng so với bán hàng trong nước. Như Hoa Sen (HSG), nếu tiêu thụ trong nước là sản phẩm tôn mạ màu thì khi xuất khẩu chủ yếu là tôn cuộn bán thành phẩm, vì thế, không thu được lợi nhuận ở khâu mạ, dập sóng…
Trong quý I/2012, tình hình sản xuất- kinh doanh của các DN ngành thép dự báo không dễ dàng gì do sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Hiện nay, đã có tín hiệu hạ lãi suất tín dụng, song lãi suất thấp nhất mà nhiều DN vay được vẫn ở mức 16,5 - 17,5% cho vay ngắn hạn. Kể cả lãi suất giảm thật sự, thì cộng thêm độ trễ từ 1 -2 quý, các DN thép mới dễ thở hơn.
Thành Nam
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|