DNNN cắt giảm chi phí: 'Sâu rễ, bền gốc'
Tuần qua, Bộ trưởng Tài chính dự nhiều lễ ký cam kết thực hiện tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất 5-10% của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Từ Tập đoàn Điện lực (EVN), Than khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Xây dựng đô thị (HUD), cho đến Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex)...
Nếu căn cứ vào những con số cam kết sẽ tiết kiệm và tiết giảm chi phí sản xuất năm 2012 mà các DNNN đã đưa ra, thì chỉ tuần qua, đã lên đến khoảng dăm ngàn tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này là EVN với cam kết tiết kiệm, tiết giảm chi phí khoảng hơn 1.800 tỷ đồng; Vinacomin cũng khoảng 1.000 tỷ đồng... Tổng con số đó, bằng lợi nhuận làm cả năm của một tập đoàn lớn với hàng vạn người, làm ăn có hiệu quả cỡ như VNPT.
Phát biểu tại lễ ký giao ước thi đua, cam kết tiết giảm chi phí của Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Bộ trưởng Tài chính nói: Con số tiết giảm chi phí 105 tỷ đồng mà Vinalines phấn đấu năm 2012 rất có ý nghĩa, nếu so với tổng lợi nhuận năm 2010 chỉ 200 tỷ.
Tuy đây mới chỉ là cam kết trên văn bản, còn chuyện có làm được như cam kết hay không, phải cuối năm tài chính mới biết. Nhưng rõ ràng lãnh đạo các DNNN phải tự cảm nhận, tính toán tiết kiệm được mới dám đưa ra những con số cụ thể như vậy.
Từ đây, cho thấy nếu năm nào Bộ trưởng Tài chính cũng chăm chỉ đốc thúc DNNN cam kết tiết giảm chi phí, thì mỗi năm người ta có thể tiết kiệm được cả chục ngàn tỷ đồng. Một con số rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh phần lớn DNNN làm ăn không hiệu quả như hiện nay.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nội dung tiết kiệm 5-10% chi phí sản xuất, chỉ là một trong những nội dung thực hiện tái cơ cấu DNNN năm 2012. Nhưng ai sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện những cam kết trên của doanh nghiệp? Bởi việc thực hiện tiết giảm chi phí năm 2012 của DNNN không phải lần đầu.
Những lần trước, DNNN cũng cam kết đấy, và tổng kết cuối năm người ta cũng có thêm dòng báo cáo trong báo cáo tổng kết rằng, năm nay tiết kiệm được tỷ này, tỷ nọ, nhưng thực tế chỉ có trời mới biết, vì đâu có ai thanh kiểm tra nội dung tiết kiệm cái gì, chưa kể lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn không chuyển biến, thậm chí lỗ vốn.
Suy cho cùng, với các DNNN, thì Nhà nước cũng chỉ là nhà đầu tư, nếu đầu tư không có lãi, với tư cách chủ sở hữu, hoặc rút vốn, cho phá sản hoặc thay lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ khi nào thiết lập được một cơ chế, quy trình minh bạch như vậy, thì nhà nước chẳng cần hô hào DNNN tiết kiệm, thì bản thân lãnh đạo DNNN cũng biết cách phải làm thế nào để doanh nghiệp có lãi. Khi đó, đâu cần phải hô hào tiết kiệm!
Bá Kiên
TIỀN PHONG
|