Thứ Bảy, 25/02/2012 16:03

Ngành gỗ thiếu liên kết để tiến xa

Sự thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và thiếu chính sách phù hợp sẽ dẫn đến việc ngành đồ gỗ khó có khả năng tiến xa trong tương lai.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) tổ chức ngày 24-2, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhận định như vậy về thực trạng của ngành lâm nghiệp, chế biến gỗ.

Giá thành cao, khó cạnh tranh

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Scansia Pacific, một trong những doanh nghiệp gỗ lớn ở Bình Dương, chia sẻ câu chuyện công ty mình đã chịu thua doanh nghiệp Trung Quốc khi cung ứng hàng cho tập đoàn đồ gỗ nổi tiếng thế giới Ikea (Thụy Điển).

Vừa rồi, Ikea đặt hàng công ty ông làm 500.000 bộ bàn bằng gỗ thông. Sau khi cân nhắc, tính toán tất cả chi phí, nguyên liệu, ông báo giá 72 đô la Mỹ cho đối tác và lập tức bị từ chối vì lý do đối tác Trung Quốc của Ikea đã thực hiện đơn hàng với mức giá rẻ hơn đến 5 đô la Mỹ /bộ.

“Tôi đi tìm hiểu thì được biết doanh nghiệp Trung Quốc đã mua gỗ tròn từ Siberia, Nga, chuyên chở về vùng Nội Mông rồi về đến Tứ Xuyên. Họ tận dụng từng mẩu gỗ vụn, mạt cưa để làm giảm chi phí, tính toán sao cho chi phí vận chuyển thấp nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp gỗ trong nước thì chịu thua, không làm được như vậy”, ông Thắng nói.

“Mặc dù Trung Quốc hiện nay không còn tập trung vào lĩnh vực chế biến nguyên liệu thô như gỗ nhưng khả năng cạnh tranh của họ vẫn rất cao, làm ra sản phẩm có giá rất rẻ”, ông thừa nhận.

Theo ông Thắng, các vùng nguyên liệu của Việt Nam hiện nay được phân bố rải rác, thiếu gắn kết giữa vùng nguyên liệu với các nhà máy cưa xẻ và nhà máy chế biến. Chính điều này đã dẫn đến giá thành sản xuất cao, không tận dụng được các phụ phẩm như mạt cưa, dăm gỗ để chế biến thành các sản phẩm ván ép, ván MDF hoặc các loại tấm chất đốt mà thị trường châu Âu đang rất ưa chuộng.

“Muốn xây dựng được chúng ta cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư”, ông Thắng nói thêm.

Cản trở từ cơ chế quản lý

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) thì cho rằng cơ chế hiện nay chưa cho phép việc cấp sổ đỏ (giấy chủ quyền) cho người trồng rừng, trong khi đây là một trong 10 tiêu chí để được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững quốc tế (FSC) nhằm đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm gỗ, một yêu cầu gần như bắt buộc của các thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn như Mỹ, EU.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong những năm qua doanh nghiệp trồng rừng, chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh và thuê đất trồng rừng. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính phức tạp, công tác quy hoạch đất đai trồng rừng chưa đạt yêu cầu.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ muốn có đất trồng rừng nguyên liệu ổn định nhưng rất khó khăn. Còn đất rừng giao cho hộ gia đình thì manh mún và phân tán. Việc liên kết giữa các chủ trồng rừng  và chủ doanh nghiệp chế biến gỗ nhằm gắn vùng nguyên liệu với chế biến gỗ chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, do vậy không thu hút được đầu tư vào chuỗi giá trị trong ngành lâm nghiệp.

Thái Hằng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hải Phòng công bố dừng thu hồi, giao, cho thuê đất bãi bồi (25/02/2012)

>   Doanh nghiệp dệt may thắt lưng buộc bụng (25/02/2012)

>   Cân nhắc khi cho mở casino (25/02/2012)

>   Những điểm khiến thế giới sửng sốt về Việt Nam (25/02/2012)

>   Việt Nam là thị trường xuất khẩu hấp dẫn của Mỹ (25/02/2012)

>   Phải xây dựng chính sách để tạo đột phá cho Quảng Ninh (25/02/2012)

>   Nhiều sản phẩm nhựa trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực (25/02/2012)

>   Chính quyền tỉnh đã làm gì cho doanh nghiệp? (25/02/2012)

>   Nhà cung cấp 'vây' Fivimart đòi nợ (25/02/2012)

>   Nghịch lý ngành than (25/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật