Thứ Ba, 07/02/2012 10:15

Nắn dòng vốn đúng chỗ

Quý I-2012, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ bám sát định hướng tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Đầu tiên NHNN hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc VNĐ bằng 1/5 tỷ lệ thông thường cho 5 NHTM có tỷ lệ cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm 40-70% tổng dư nợ. Tuy nhiên, động thái này chỉ giúp hạ chi phí vốn vay nhưng chưa thể kích thích mạnh các NHTM khác rót vốn vào lĩnh vực trên.

Đánh đổi rủi ro

5 NHTM được hưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp áp dụng từ tháng 2 đến tháng 7-2012 gồm: Agribank, NHTMCP Mê Kông, NH Phát triển Nhà ĐBSCL, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, và NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Thông tư 20 của NHNN quy định: “Đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng 1/5 so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi”. Nhiều NHTM cho biết để đạt mức dư nợ trên không đơn giản.

Ngoài giải pháp tín dụng nông nghiệp - nông thôn, cần có giải pháp tín dụng cho DNNVV mang tính quốc sách. Hiện nay chúng ta chưa có một văn bản hay nghị định nào dành riêng cho tín dụng DNNVV. Từng NHTM đều có chương trình cho vay DNNVV, thậm chí được hỗ trợ vốn từ tổ chức quốc tế để cho vay DNNVV, nhưng thực tế DNNVV rất khó tiếp cận dòng vốn đó. Các quỹ nước ngoài tài trợ cho DNNVV đưa ra tiêu chuẩn dù thoáng như tín chấp, nhưng yêu cầu bản cân đối tài chính phải tốt. Điều này nhiều DNNVV rất khó đạt được, nên cuối cùng họ phải chấp nhận vay lãi suất cao. Trong khi đó, quỹ bảo lãnh cho DNNVV tuy có nhưng cũng chỉ mang "biểu tượng" hơn thực tế, các tỉnh, thành phố cũng chỉ bảo lãnh cho vài doanh nghiệp là tối đa…

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, cho biết nhiều NH cũng muốn bán lẻ nhiều hơn bán sỉ để phân tán rủi ro, cho vay nông nghiệp - nông thôn là những món vay nhỏ lẻ nhưng đòi hỏi phải có mạng lưới rộng. LienVietPostBank, Agribank… có lợi thế mạng lưới rộng nên thuận lợi hơn các NHTM khác.

Hơn nữa, cho vay nông thôn khó quản lý vì rủi ro nhiều, chuẩn mực trong từng khoản vay không cao nên NH không dễ tăng trưởng mạnh tín dụng ở lĩnh vực này.

Thực tế tại nhiều NHTM như OCB, Sacombank… có điểm giao dịch hoạt động ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn ở các điểm giao dịch này khá cao, nhưng tính chung cả NH vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Có một thực tế là việc giảm chi phí tỷ lệ dự trữ bắt buộc chưa đủ để khuyến khích nhiều NHTM đẩy vốn vào lĩnh vực này. Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn chỉ tính cho vay nông dân, chưa tính cho vay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực này.

Do vậy, để đạt được tỷ lệ này không dễ bởi nhiều NHTM vẫn ngại cho vay vì rủi ro không nhỏ. Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Linh cho rằng cùng với sản xuất của nông dân, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn luôn bị tác động bởi những rủi ro thiên tai, hàng hóa sản xuất ra không bán được.

Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng nông-thủy sản nhưng khi bán không ai mua, hoặc mất giá do giá thế giới biến động.

Do vậy, có ý kiến cho rằng cần tính cả dư nợ cho vay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nông nghiệp - nông thôn được hưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp để vừa khuyến khích NH cho vay, vừa gián tiếp hỗ trợ giảm chi phí vốn vay cho đối tượng khách hàng tín dụng này.

Chưa thể hạ lãi suất ngay

NHNN đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm ở mức 15-17% cho hệ thống NHTM, nhưng hiện nay vẫn chưa có “room” tín dụng cụ thể cho từng NH. Nhiều nguồn tin ở các NHTM dự đoán có thể đến tháng 3 NHNN mới chính thức công bố hạn mức tín dụng cụ thể cho từng NHTM.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, nhiều NHTM đang định hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông thôn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Bởi khi cho vay ở các lĩnh vực này các NHTM sẽ được NHNN ưu tiên vốn qua thị trường mở khi có nhu cầu. Một lãnh đạo của HDBank cho biết bên cạnh cho vay xuất nhập khẩu, DNNVV…

HDBank cũng ưu tiên cho vay ngành công nghiệp phụ trợ - lĩnh vực được NHNN và Chính phủ khuyến khích phát triển. Còn theo ông Linh, năm nay OCB sẽ ưu tiên tín dụng vào lĩnh vực thương mại, bán lẻ, xuất nhập khẩu và loại bỏ ngành thép.

Những tháng cuối năm 2011, các NHTM rất thận trọng trong giải ngân vì nguồn tiền thời điểm này khá cạn. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán dòng tiền trên thị trường đã cải thiện nhiều. Trên thị trường liên NH kỳ hạn cho vay lẫn nhau đã tốt hơn.

Theo đó, từ tháng 2 các NHTM đã có nguồn vốn để giải ngân, tín hiệu tốt để tăng trưởng tín dụng quý I-2012. Nhưng các NHTM vẫn thừa nhận chưa thể hạ nhanh lãi suất. Một phó tổng giám đốc NH cho rằng hiện nay các lĩnh vực ưu tiên bơm vốn vẫn chưa tiếp cận được vốn giá rẻ, nhất là các DNNVV.

Đây là vấn đề NHNN cần xem xét và sắp tới nên có chính sách mới để khuyến khích các NHTM ưu tiên bơm vốn giá rẻ vào lĩnh vực này.

Hiện nay các DNNVV vướng lãi suất chứ không phải ở vấn đề tiếp cận vốn. Bởi nhiều NHTM cũng thiện chí trong việc cung cấp tín dụng, nhưng lãi suất cao, dòng tiền chung của thị trường kinh doanh rất khó khăn nên đầu ra rủi ro rất cao, thanh khoản kém.

Do đó, các NH buộc phải cẩn trọng hơn trong cho vay. Thực tế có các DNNVV tốt nhưng do thanh khoản kém, thu hồi nợ chậm cũng bị ảnh hưởng đến vay vốn...

Thanh Như

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Mỹ muốn đầu tư 1,5 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng VN (07/02/2012)

>   Moody’s: Ngân hàng Việt Nam dễ bị tác động bởi khủng hoảng nợ châu Âu (06/02/2012)

>   Tỷ giá vì sao đi xuống? (06/02/2012)

>   Agribank bắt đầu “chuyển giao nội bộ” (06/02/2012)

>   Tin vào khả năng giảm lãi vay (06/02/2012)

>   Ngân hàng năm 2012: Mối lo từ nợ xấu (06/02/2012)

>   Bài toán khó của thống đốc ngân hàng (06/02/2012)

>   3 ngân hàng nhỏ khác chuẩn bị "về chung một nhà" (05/02/2012)

>   'Tiền bơm cho ngân hàng trong Tết không gây lạm phát' (05/02/2012)

>   Tỉ giá chưa “căng” (04/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật