Thứ Bảy, 18/02/2012 18:21

20 năm Phát triển khu công nghiệp - khu chế xuất:

Lượng nhiều, chất chưa tương xứng

Hiện còn nhiều khu công nghiệp (KCN) hiệu quả chưa cao, lãng phí về đất đai - đó là vấn đề được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) đưa ra ngày 17-2 tại hội nghị tổng kết 20 năm thành lập các KCN tại VN để thảo luận, đề ra chính sách mới giúp các KCN bước sang giai đoạn phát triển mới.

Theo Bộ KH-ĐT, tính bình quân mỗi hecta đất KCN, KCX có thể cho thuê trong năm 2011, giúp tạo 77 việc làm trực tiếp, nộp ngân sách 1,38 tỉ đồng, tạo giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu USD. Trong ảnh: sản xuất điện kế điện tử tại Công ty cổ phần thiết bị điện Vinasino ở KCN Long Hậu, tỉnh Long An - Ảnh: N.C.T.

Tính đến tháng 12-2011, cả nước có 283 KCN với tổng diện tích lên đến 76.000ha, trong đó có 180 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN lên tới trên 9,5 tỉ USD. Tỉ lệ lấp đầy các KCN - khu chế xuất (KCX) khoảng 65%, còn khoảng 10.000ha chưa có nhà đầu tư thuê.

Vẫn chạy theo số lượng

Theo số liệu công bố tại hội nghị, hiện có 4.100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại các KCN-KCX với tổng vốn lên tới trên 59 tỉ USD. Tính đến tháng 12-2011, các KCN-KCX tạo việc làm được cho 1,76 triệu lao động. Trong giai đoạn 2006-2010, các KCN-KCX đã xuất khẩu hơn 63 tỉ USD, riêng năm 2009-2010 xuất siêu khoảng 500 triệu USD. Cũng trong giai đoạn 2006-2010, các KCN-KCX đã nộp ngân sách được 5,9 tỉ USD.

Ngoài KCN-KCX, Bộ KH-ĐT cho biết cả nước còn 18 khu kinh tế ven biển đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích rất lớn, lên tới trên 7.300km2 (chiếm 2,2% diện tích cả nước), chưa kể 28 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích trên 600.000ha. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT công nhận đóng góp của các khu kinh tế vào kinh tế địa phương còn khiêm tốn, đồng thời kiến nghị tạm dừng thành lập các khu kinh tế mới

Với các KCN-KCX, Bộ KH-ĐT cũng nêu sáu hạn chế, trong đó việc thành lập mới, mở rộng các KCN-KCX tại một số địa phương chưa hợp lý, chưa căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế. Nguyên nhân là do tư duy quy hoạch còn mang nặng tính cục bộ địa phương, chưa chú trọng lợi ích quốc gia. Các địa phương vẫn chủ yếu ưu tiên lấp đầy KCN mà không chú trọng tới công nghệ, môi trường. Do đó, công nghệ cao trong KCN còn hạn chế, nhiều KCN có chất lượng môi trường ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đối với nhà ở cho công nhân tại KCN, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ KH-ĐT cho biết đến nay trên cả nước chỉ mới có 24 dự án được đăng ký với tổng diện tích sàn khoảng 753.000m2. Diện tích này chỉ có thể đảm bảo cho khoảng 125.000 lao động. Đặc biệt, lương của người lao động tại các KCN, theo Bộ KH-ĐT, vẫn... chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Mâu thuẫn về lương, phụ cấp... khiến các cuộc đình công vẫn diễn ra.

Chưa lấp đầy, tạm dừng thành lập mới

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã phân tích hàng loạt hạn chế của KCX-KCN. Ông Vũ Văn Thái, vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế Bộ Nội vụ, cho rằng theo quy định, mỗi tỉnh chỉ có một ban quản lý KCN. Tuy nhiên, đến nay vẫn có tỉnh có 2-3 ban quản lý KCN, có tỉnh lại không có. “Quản lý nhà nước mà mỗi tỉnh có tới hai đầu mối. Quản lý mà chưa chỗ nào có bộ phận thanh tra, phải nhờ các sở khác” - ông Thái nói.

Ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng có xu hướng chuyển hướng đầu tư sang VN sau sự cố sóng thần ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tới đây cần các bộ ngành cùng vào cuộc để giải quyết tốt hơn thủ tục hành chính. Nêu kinh nghiệm TP.HCM, ông Quân đề nghị phải gắn xây dựng hạ tầng KCN với xây hạ tầng xã hội, chứ công nhân vào làm việc mà không có nhà trẻ, khu vui chơi giải trí sẽ rất phức tạp.

Theo ông Quân, khi xây dựng KCN, phải hoạch định ngay từ đầu đất xây nhà lưu trú cho công nhân, các công trình phúc lợi khác... “Có doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân nhưng không được ưu đãi, cần có nghiên cứu có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp” - ông Quân nói. Ông Quân cũng khẳng định đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời nhưng nhiều văn bản vênh, thậm chí xung đột nhau.

Ông Quân đề nghị sớm có Luật quản lý KCN, KCX, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục xem KCN, KCX là địa bàn ưu đãi đầu tư và việc giảm thuế là chính sách có thể thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới... Ngoài ra, nên có cơ chế giải quyết nhanh những vướng mắc ở KCX, KCN.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển VN, nêu tám kiến nghị để các KCN của VN tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư, trong đó nhấn mạnh cần phân cấp cho ban quản lý KCN các tỉnh quyền thực hiện toàn bộ các thủ tục hành chính để tạo sự thông thoáng, thuận tiện. Cho rằng chính sách ưu đãi với KCN, KCX hiện không thống nhất, dự án đầu tư mở rộng cũng không còn được ưu đãi thuế, bà Hường đề nghị tính toán để tiếp tục ưu đãi thuế trong điều kiện các nước như Thái Lan, mới nhất là Myanmar đang nghiên cứu, áp dụng các ưu đãi tốt hơn VN.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định cơ chế ưu đãi của VN không thấp hơn các nước trong khu vực, thậm chí có thể còn cao hơn. Vấn đề ông Hải lưu ý các địa phương là cần “thở cùng hơi thở doanh nghiệp”, nghĩa là đi cùng họ để kịp thời tháo gỡ khó khăn. “Môi trường đầu tư không chỉ là ưu đãi thuế, mà còn là thủ tục hành chính” - ông Hải nói.

Định hướng việc lập KCN, khu kinh tế thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh “chưa lấp đầy thì tạm dừng thành lập mới” và “không thể cứ vẽ ra các khu kinh tế”. Ông Hải đồng thời chỉ đạo thời gian tới “kiên quyết không lấy đất lúa làm KCN”.

Về nhà cho công nhân, Phó thủ tướng cho rằng khi quy hoạch KCN phải quy hoạch luôn khu dân cư là điều cần kiên quyết thực hiện. Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh trước mắt cần tăng cường quản lý nhà nước, đặt ra tiêu chuẩn về diện tích, vệ sinh, an toàn... cho các hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà. “80% công nhân đang ở nhà trọ của dân, phải quy định các tiêu chí để giúp công nhân có điều kiện sống tốt hơn” - ông Hải nói.

Để giải quyết nhanh những vướng mắc và hấp dẫn các tập đoàn lớn, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cùng vào cuộc. Ông chỉ đạo Bộ KH-ĐT đề xuất lập ban chỉ đạo với thành viên của các bộ ngành, mỗi sáu tháng họp một lần để giải quyết nhanh các chính sách và tháo gỡ những khúc mắc để giúp tăng thu hút đầu tư có chất lượng...

Sẽ ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường

Để nâng cao chất lượng KCN, Bộ KH-ĐT nêu sáu định hướng phát triển KCN-KCX thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sẽ gắn quy hoạch KCN với quy hoạch đô thị, khu dân cư, không phát triển KCN trên đất nông nghiệp đang có năng suất ổn định; sẽ huy động vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình phúc lợi khác. Bộ KH-ĐT cũng khẳng định sẽ ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

CẦM VĂN KÌNH

tuoitre

Các tin tức khác

>   80 tỷ USD đầu tư vào khu công nghiệp sau 2 thập kỷ (17/02/2012)

>   5 năm gia nhập WTO: Thành tựu và thách thức (17/02/2012)

>   Sớm triển khai khu liên hợp VSIP tại Quảng Ngãi (17/02/2012)

>   Quyết liệt chống chuyển giá (17/02/2012)

>   Bài học từ việc các doanh nghiệp phá sản (17/02/2012)

>   Khơi thông dòng vốn thực (17/02/2012)

>   Việt Nam vào top 10 điểm đầu tư dài hạn tốt nhất (17/02/2012)

>   Cần các chính sách gián tiếp làm thị trường sáng sủa hơn (17/02/2012)

>   Vinashin được vay hơn 292 tỷ đồng lãi suất 0% (16/02/2012)

>   Ngành điện tử VN hấp dẫn nhà đầu tư Nhật, Hàn (16/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật