Bài học từ việc các doanh nghiệp phá sản
Nhiều nhà kinh tế đều có chung nhận định, việc các DN phá sản cùng với những mặt tiêu cực thì mặt tích cực chúng ta nhận được chính là những bài học bổ ích, trong đó bài học quan trọng nhất là sự thích ứng trước những biến đổi của đời sống xã hội.
Gần 50.000 doanh nghiệp (DN) phá sản trong năm qua là con số không nhỏ, khiến một số người băn khoăn khi nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế (trong đó Hà Nội có 3.000 DN phá sản, TP HCM có 1.600 DN phá sản).
Nói vậy nhưng cũng chưa vội bi quan bởi trung bình mỗi năm chúng ta có thêm 80.000 DN ra đời và hiện tại, cả nước có trên 600.000 DN đăng ký và hoạt động, trong đó số DN có nộp thuế là 450.000. Như vậy, số DN phá sản luôn xấp xỉ với số DN ra đời trong một năm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại lạc quan khẳng định, việc các DN phá sản là điều hết sức bình thường.
Như một cái cây, để vươn cao, tỏa bóng thì ngoài những yếu tố khách quan, bản thân cây đó phải có những nội lực nhất định, có khả năng thích ứng và “miễn dịch” với những tác động xấu của môi trường. Nếu thiếu những điều kiện đó thì cái cây sẽ tự thui chột và bị đào thải bởi quy luật tự nhiên.
Trong số gần 50.000 DN phá sản, hầu hết là các DN nhỏ và là DN tư nhân. Thực tế thì lực lượng DN này đang đóng góp vào việc tạo việc làm cho một lượng lao động khá lớn tại các địa phương nhưng họ chưa nhận được sự hỗ trợ vốn và các chính sách khác một cách bình đẳng như đối với các DN nhà nước hay DN lớn khác.
Không chỉ là những DN nhỏ phá sản, có quan điểm cho rằng, kể cả khi tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát thấp đi thì số DN “biến mất” khỏi thị trường vẫn tăng, bởi sức ép và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Sự thanh lọc các DN sẽ trở nên nghiệt ngã hơn bởi chỉ những DN mạnh về tài chính cùng những kinh nghiệm được tôi luyện trên thương trường mới giúp họ đủ sức trụ vững.
Giải pháp từ những DN phá sản là gì? Nhiều nhà kinh tế đều có chung nhận định, việc các DN phá sản cùng với những mặt tiêu cực thì mặt tích cực chúng ta nhận được chính là những bài học bổ ích, trong đó bài học quan trọng nhất là sự thích ứng trước những biến đổi của đời sống xã hội.
Khi chịu áp lực cạnh tranh, phải đương đầu với mọi sóng gió thử thách, các DN sẽ có dịp nhìn lại mình, củng cố các yếu tố nền tảng, xác định lại chiến lược, nâng tầm quản trị DN của mình... Chúng ta mới chỉ hội nhập từng phần, nhưng trong thời gian tới, khi sự hội nhập diễn ra toàn diện thì những thử thách sẽ nhiều hơn, áp lực sẽ lớn hơn.
Cùng với sự cởi mở và năng động của các chính sách kinh tế, nếu các DN có sự thích ứng và nâng cao năng lực trên mọi mặt thì số DN bị phá sản sẽ giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc các DN sẽ hội tụ những yếu tố để tồn tại, phát triển bền vững và có đóng góp nhất định cho nền kinh tế đất nước
Nguyễn Tuấn
công an nhân dân
|