80 tỷ USD đầu tư vào khu công nghiệp sau 2 thập kỷ
Tuy nhiên, hơn nửa số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được vẫn còn chưa kịp giải ngân, đặt ra một vấn đề trong quản trị, triển khai vốn. Vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp, chế xuất đạt gần 60 tỷ USD, nhưng mới giải ngân 45% số đó.
Sáng 17/2, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam.
Báo cáo của Bộ ghi nhận, trong 2 thập kỷ, các khu công nghiệp, chế xuất đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc huy động vốn đầu tư từ những thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nâng hiệu quả sử dụng đất, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp trong 20 năm qua tương đương 80 tỷ USD, trung bình 3,5 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, cao hơn tỷ lệ tương tự vào thời điểm cuối năm 2005 (gần 2 triệu USD/ha) và cuối năm 2001 (1,2 triệu USD/ha).
Trong đó, có 4.113 dự án là có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 59,6 tỷ USD (chiếm 75%).
Tuy nhiên, có một thực tế mà cơ quan chủ quản vẫn phải “đau đầu” trong suốt thời gian vừa qua đó là tốc độ giải ngân, khi tổng vốn đầu tư thực hiện chỉ đạt 27 tỷ USD, bằng 45% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nguyên nhân dẫn đến trì trệ có thể kể đến chất lượng quy hoạch và phát triển khu công nghiệp còn ở trình độ thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn cũng như khả năng phối hợp giữa các tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, các địa phương chỉ chủ yếu kêu gọi đầu tư để lấp đầy khu công nghiệp chứ chưa chú ý đến cơ cấu kinh tế, trình độ công nghệ, dẫn đến chất lượng đầu tư thấp.
Những tồn tại khác cũng được Bộ KH– ĐT nhìn nhận và yêu cầu khắc phục, đó là công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo thu nhập, đời sống của người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Lương bình quân của người lao động qua các năm đều được điều chỉnh tăng, nhưng do giá cả các hàng hoá thiết yếu tăng nhanh, làm cho thu nhập thực tế của người lao động trong các khu công nghiệp nhìn chung vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Những vấn đề này, cơ bản sẽ được Bộ và các cơ quan chính quyền địa phương, các doanh nghiệp khắc phục vào thời gian tiếp theo.
Bích Diệp
dân trí
|