Thứ Sáu, 17/02/2012 13:44

Khơi thông dòng vốn thực

Thay vì chỉ tập trung thu hút những dự án mới, các địa phương sẽ tập trung giải ngân các dự án FDI, đặc biệt là các dự án lớn, để thực sự khơi thông dòng vốn thực.

Bridgestone vẫn là dự án nhà máy sản xuất lốp ô tô của nhà đầu tư Nhật Bản được nhắc tới trước tiên trong những câu chuyện về việc thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai tháng đầu năm 2012. Được nhắc nhiều không phải chỉ bởi đây là dự án FDI có quy mô lớn nhất (vốn đăng ký 575 triệu USD) “xông đất” đầu năm Nhâm Thìn, mà còn vì những động thái rất quyết liệt của TP. Hải Phòng xung quanh dự án này.

Ngày 7/2/2012, tức là chỉ sau khi Dự án được cấp chứng nhận đầu tư 1 tuần, UBND TP. Hải Phòng đã có một văn bản chỉ đạo các sở, ngành về việc hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Trước đó chừng gần 1 tháng, Hải Phòng cũng đã có chỉ thị liên quan dự án này, nhưng là để thúc đẩy nhanh việc cấp chứng nhận đầu tư.

Động thái trên cho thấy, Hải Phòng đang rất quyết tâm thúc đẩy giải ngân các dự án FDI, với mong muốn nhanh đưa nguồn vốn đầu tư thực vào hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính bởi vậy, Hải Phòng không chỉ lo thúc tiến độ giải phóng mặt bằng, hay cấp giấy phép xây dựng cho Dự án, mà còn “tính” cả những chuyện xa hơn. Chẳng hạn, cung cấp điện, tuyển dụng lao động, xây nhà ở cho người lao động…, thậm chí cả việc thông quan. “Trong quá trình sản xuất, trường hợp có nhu cầu lớn về thông quan, giao Cục Hải quan Thành phố phối hợp với Bridgestone nghiên cứu thực hiện các thủ tục cần thiết bố trí trạm hải quan tại nhà máy để thông quan hàng hóa”, ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo.

Trong một động thái khác, ngày 15/2, khi đi kiểm tra thực địa Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP, trong đó có địa điểm xây dựng nhà máy của Kyocera Mita, vốn đầu tư 187,5 triệu USD, vừa được khởi công xây dựng đầu tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Dương Anh Điền đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung cao độ cho việc giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2012 để VSIP Hải Phòng có thể bàn giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy theo đúng tiến độ đã cam kết.

Không chỉ Hải Phòng, mà một quyết tâm nhìn thấy rõ từ các địa phương, đó là năm 2012, sẽ tập trung giải ngân các dự án FDI, chứ không phải là chỉ tập trung thu hút những dự án mới.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu FDI cho rằng, thách thức rất lớn hiện là lượng vốn FDI đã đăng ký nhưng chưa giải ngân được lên tới 108 tỷ USD. Chính vì vậy, theo ông Thắng, việc tập trung giải ngân nguồn vốn nói trên là cần thiết và có thể thực hiện ngay trong năm nay để kết thúc chu kỳ suy giảm trong thu hút FDI.

“Khi đó, chúng ta sẽ sớm có được một nguồn vốn thực trong 2012 và một số năm trước mắt bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Thắng nói và cũng đã đề cập câu chuyện hiện có trên 13.000 dự án chậm triển khai, đang tạo nên những lãng phí về đất đai, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam với bên ngoài...

Thực tế là, các địa phương, ngoài việc muốn đẩy nhanh giải ngân dự án đã cấp phép, cũng đã quan tâm nhiều hơn tới việc rà soát các dự án đã chậm triển khai, không khả thi để sẵn sàng loại bỏ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác.

Tháng 12 năm ngoái, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành một chỉ thị về việc thực hiện chỉ thị nói trên. Trong văn bản do ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký, cũng đã nhắc tới việc phải tập trung giải ngân các dự án lớn, trong đó có Dự án Lọc dầu Vũng Rô.

Đặc biệt, Phú Yên cũng đã nhấn mạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, vừa phát hiện các sai phạm trong quá trình triển khai dự án.

Trong khi đó, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay, tỉnh này chỉ đặt mục tiêu thu hút khoảng 500 triệu USD, bằng hơn nửa năm ngoái. Thay vào đó, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn  thúc đẩy việc giải ngân 27 tỷ USD của 298 dự án được cấp phép trong nhiều năm qua.

Không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hay Phú Yên, Hải Phòng, mà nhiều địa phương trong cả nước, như Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Định… cũng đang nỗ lực để nâng chất dòng vốn FDI. Lựa chọn kỹ dự án đăng ký mới, để đó không phải là dự án ảo; tập trung giải ngân nhanh các dự án FDI đã đăng ký; và xem xét, thu hồi những dự án không còn khả năng triển khai… Đó là những giải pháp mà họ đang thực hiện để vốn FDI vào Việt Nam thật sự là dòng vốn thực.

Hà Thanh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Việt Nam vào top 10 điểm đầu tư dài hạn tốt nhất (17/02/2012)

>   Cần các chính sách gián tiếp làm thị trường sáng sủa hơn (17/02/2012)

>   Vinashin được vay hơn 292 tỷ đồng lãi suất 0% (16/02/2012)

>   Ngành điện tử VN hấp dẫn nhà đầu tư Nhật, Hàn (16/02/2012)

>   Ts Mai Liêm Trực: Đầu tư ngoài ngành dàn trải là có động cơ (16/02/2012)

>   Ninh Bình đổi mới phương thức huy động vốn (16/02/2012)

>   Đầu tư lớn hạ tầng hàng không (16/02/2012)

>   Bình Dương cấp phép 6 dự án đầu tư nước ngoài (15/02/2012)

>   IFC hy vọng hợp tác sâu rộng tại Việt Nam (15/02/2012)

>   Vẫn lo giải ngân FDI (15/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật