Thứ Tư, 15/02/2012 09:56

Vẫn lo giải ngân FDI

Thông tin liên tiếp về các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa đủ để khỏa lấp những lo ngại trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy giải ngân dòng vốn FDI.

Bớt lo vốn đăng ký

Nỗi lo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký giảm mạnh như trong tháng 1/2012 (chỉ bằng 3% so với cùng kỳ) dường như đã được giải tỏa phần nào, khi những thông tin dồn dập cho thấy, rất nhiều dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 2 và còn không ít dự án đang nằm chờ.

Mới nhất, có lẽ là thông tin đến từ tỉnh Bình Dương. Ngày hôm nay (15/2), 7 dự án được trao chứng nhận đầu tư. Trong đó, ngoài 2 dự án Sản xuất thức ăn chăn nuôi Biomin và Sản xuất lốp xe tải toàn thép của Casumina, thì 5 dự án là của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng chú ý là, trong khi chỉ có 1 dự án cấp mới, với vốn đầu tư đăng ký không cao (dự án sản xuất vách ngăn vật liệu xây dựng dùng trong xây dựng của PAN ASIA, Hàn Quốc, vốn đăng ký 1,5 triệu USD), thì có tới 4 dự án là tăng thêm vốn.

Cụ thể, Dự án của Công ty cổ phần Sun Steel, tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 420 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH United International Pharma, tăng thêm 6 triệu USD, lên 26 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Core Electronics (Việt Nam), tăng vốn đầu tư thêm 1 triệu USD và Dự án của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Liwayway Sài Gòn, tăng vốn đầu tư thêm 14,5 triệu USD.

Còn trước đó, cách đây đúng 10 ngày, ngoài một số dự án đầu tư có vốn trong nước, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã trao chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn BSE Hàn Quốc, dự kiến xây dựng Nhà máy Sản xuất điện tử viễn thông Việt Nam, công suất 250 triệu sản phẩm/năm, với tổng vốn đăng ký 630 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 triệu USD).

Ngoài ra, cũng trong ngày này, Công ty TNHH Royal Food (Thái Lan) đã ký kết thỏa thuận với chính quyền tỉnh thực hiện các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam, với tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng (hơn 40 triệu USD), bao gồm nhà máy chế biến cá đóng hộp, đông lạnh trị giá 420 tỷ đồng; nhà máy sản xuất chả cá, bột cá (210 tỷ đồng), xây dựng trung tâm thương mại (210 tỷ đồng). Lớn nhất trong số các dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư cho tới thời điểm này, vẫn là dự án sản xuất lốp xe ô tô của Bridgestone (Nhật Bản), 575 triệu USD.

Chỉ kể một lượt các dự án nói trên, có thể thấy, bảng “tổng sắp” về FDI trong tháng 2/2012 sẽ có sự cải thiện đáng kể. Và nếu kể thêm các dự án đang “nằm chờ”, mà Báo Đầu tư đã từng đề cập, thì quả đúng như nhận định của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả thu hút FDI trong tháng 1/2012 không phản ánh đúng triển vọng thu hút dòng vốn này của cả năm 2012.

Thúc đẩy giải ngân

Một kết quả khảo sát vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiến hành cho thấy, các doanh nghiệp FDI đánh giá khá cao sự cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, song cũng phàn nàn không ít vấn đề, đặc biệt, liên quan tới hệ thống thuế, tiền lương, đất đai…

“Khá nhiều doanh nghiệp đề nghị cần đơn giản thủ tục hành chính trong cấp phép, điều chỉnh giấy phép. Có doanh nghiệp còn đề nghị rằng, khi cấp giấy phép điều chỉnh thì có thể gộp các giấy phép lại để họ tiện sử dụng”, ông Hoàng Văn Huấn, Phó chủ tịch Hiệp hội nói và cho biết, nhóm vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng là nhóm vấn đề có nhiều ý kiến nhất.

Theo ông Hoàng Văn Huấn, doanh nghiệp FDI kiến nghị các địa phương cần giải quyết thủ tục cấp đất nhanh hơn, tiến hành giải phóng mặt bằng nhanh hơn. “Họ than phiền về việc duyệt quy hoạch quá chậm. Có doanh nghiệp còn đề nghị giảm giá đất để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Huấn cho biết.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác, liên quan đến các văn bản pháp luật, đến hạ tầng, lao động… cũng được các doanh nghiệp FDI đề xuất cần sửa đổi.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, thì các doanh nghiệp FDI cho rằng, Nhà nước nên giữ ổn định về pháp luật, không nên thay đổi quá nhiều các quy định làm doanh nghiệp không dự báo được khả năng kinh doanh.

Một số doanh nghiệp lại đề nghị được cấp điện ổn định không để xảy ra tình trạng mất điện làm tổn hại đến sản xuất. Chuyện thiếu nguồn nhân lực, rồi lao động qua đào tạo, lại hay tự ý bỏ việc... cũng được nhắc tới như là một trong những nguyên nhân gây trở ngại đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của FDI.

Nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng, năm nay sẽ là một năm khó khăn trong thu hút vốn FDI. Tìm giải pháp để tăng cường thu hút nguồn vốn này là điều cần tính tới. Bên cạnh đó, một điều không kém phần quan trọng, đó là phải làm sao để đẩy nhanh giải ngân vốn FDI.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, cũng đã nhấn mạnh lại rằng, năm 2012, công tác quản lý dòng vốn FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký, mà tập trung thúc đẩy giải ngân vốn FDI.

Trong câu chuyện này, tất nhiên, trước tiên phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện đang cản trở các nhà đầu tư đưa vốn vào thực hiện.

Nguyên Đức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhà máy điện thiếu... dây truyền tải (15/02/2012)

>   Đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng (14/02/2012)

>   Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Dứt khoát thu hồi giấy phép các dự án không đạt yêu cầu (14/02/2012)

>   2 năm thành 1 tháng: Úm ba la, nhà thầu TQ hô biến (14/02/2012)

>   Tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư 10.000 tỷ đồng vào dự án hạ tầng tại Quảng Ninh (13/02/2012)

>   TS. Bùi Kiến Thành: Cần bơm vốn cho DN sản xuất lúc này (13/02/2012)

>   FDI tháng 1 thấp kỷ lục: Cảnh báo điểm nghẽn vốn và giải ngân (13/02/2012)

>   Trắng tay vì vay tiền bằng hợp đồng bán nhà, đất (13/02/2012)

>   EVN thời Chủ tịch Đào Văn Hưng: Vỡ mộng viễn thông, chứng khoán (13/02/2012)

>   Mời nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án Vân Phong (12/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật