Thứ Hai, 13/02/2012 09:42

FDI tháng 1 thấp kỷ lục: Cảnh báo điểm nghẽn vốn và giải ngân

Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) vừa lên tiếng trấn an dư luận về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháng 1.2012 với nhận định: Báo hiệu một năm thất bát của dòng vốn này. Cụ thể, mức vốn FDI đăng ký thấp kỷ lục, chỉ có 37,5 triệu USD kể cả vốn cấp mới và tăng thêm bằng 2,5% so với cùng kỳ 2011.

Không kỳ vọng vào số lượng vốn

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng FIA - khẳng định: “Sự sụt giảm bất thường này không phản ánh đúng thực chất. Kể từ tháng 2, dòng vốn FDI được cải thiện”. Lý do để khẳng định điều này, theo ông Hoàng, số liệu thống kê FDI tháng đầu năm được chốt vào ngày 20 hằng tháng, nên chỉ tính các dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư và tăng vốn trong khoảng 20 ngày đầu tháng 1. Thêm vào đó, do tâm lý nhà đầu tư Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan muốn đợi sang năm mới con rồng để đề nghị cấp phép, mặc dù các dự án đều đã hoàn tất thủ tục. Theo Cục trưởng FIA, nhận định về xu hướng thu hút FDI phải có một quá trình, không thể chỉ thấy 1 tháng vốn FDI ở mức thấp đã vội kết luận.

“Tháng 2, tình hình đã cải thiện hơn” - ông cho biết. Đã có một số dự án lớn được cấp phép ngay trong ngày đầu tháng 2. Ngày 1.2, tỉnh Hải Phòng đã cấp phép cho dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Bridgestone, với vốn đầu tư lên tới trên 575 triệu USD. Một số dự án khác đã và sắp được cấp phép là dự án sản xuất thiết bị y tế trong KCN VSIP Hải Phòng của nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu; dự án đầu tư KCN diện tích 300ha của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án trung tâm mua sắm AEON tại KCN Bình Dương, tổng vốn đầu tư 95 triệu USD... Mục tiêu trong cả năm nay, FIA cũng sẽ không đặt kỳ vọng vào số lượng vốn thu hút mới, mà tập trung khai thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy giải ngân. Cơ quan này cũng đầy lạc quan dự báo, tình hình FDI năm 2012 sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt, ít nhất là bằng hoặc cao hơn năm 2011.

Cảnh báo

Dù không hoàn toàn đồng tình với lập luận của FIA, nhưng các chuyên gia về đầu tư nước ngoài cũng cho rằng kết quả thu hút FDI tháng 1 chưa phản ánh rõ xu hướng của luồng vốn này vào VN. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo sớm về tính cấp bách của những giải pháp cho hoạt động thu hút FDI năm 2012.

Nguyên Cục trưởng FIA Phan Hữu Thắng - hiện là GĐ Trung tâm nghiên cứu FDI Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng, chiều hướng suy giảm FDI theo quy luật và lần này là chu kỳ thứ hai, sau giai đoạn suy giảm năm 2009. Nhiều dự báo, năm 2012 kinh tế thế giới còn khó khăn, bất ổn chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến dòng vốn FDI vào VN. Điều này đặt trong bối cảnh nền kinh tế VN phải phấn đấu duy trì một lượng vốn đầu tư tăng trưởng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội với mức đóng góp của nguồn vốn FDI trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội không thấp hơn 28% (đây là tỉ trọng bình quân nguồn vốn FDI trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2011). Bên cạnh đó, dù được xem là đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư cho nguồn lực chất lượng cao, vốn được cho là những “điểm nghẽn” tăng trưởng, so với các nước trong khu vực, mức độ cạnh tranh để thu hút ĐTNN vào VN vẫn còn khiêm tốn.

FIA cũng đặt ra nỗ lực cần tập trung khơi thông giải  ngân nguồn vốn FDI là quan trọng. Song với lượng vốn đã đăng ký chưa giải ngân được lên tới 108 tỉ USD, kéo theo khoảng 13.000 dự án chậm triển khai cũng đang khiến nguồn lực này bị hạn chế, cần tạo nên cú hích đặc biệt từ phía địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục đầu tư để sớm đưa nguồn lực phục vụ tăng trưởng.

Thu hút FDI tháng 1.2012 chỉ bằng 2,5% cùng kỳ 2011. Vốn đăng ký của 25 dự án được cấp phép mới đạt 29,5 triệu USD, vốn đăng ký bổ sung của 5 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 7,8 triệu USD. Cả nước chỉ có 12 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong tháng 1.2012, trong đó TPHCM có số vốn đăng ký lớn nhất với 13 triệu USD, chiếm 44,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Thanh Hóa 3,5 triệu USD, chiếm 11,9%.

Hồng Quân

Lao động

Các tin tức khác

>   Trắng tay vì vay tiền bằng hợp đồng bán nhà, đất (13/02/2012)

>   EVN thời Chủ tịch Đào Văn Hưng: Vỡ mộng viễn thông, chứng khoán (13/02/2012)

>   Mời nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án Vân Phong (12/02/2012)

>   TPHCM kêu gọi đầu tư nhiều dự án tại Thủ Thiêm (11/02/2012)

>   Có nên mở cửa cho kinh doanh casino? (10/02/2012)

>   'Kiểm toán ít tập đoàn để tránh chồng chéo' (10/02/2012)

>   Đầu tư từ Nhật vào Việt Nam lên cao kỷ lục (10/02/2012)

>   Vay 730 triệu USD cải tạo hệ thống truyền tải điện (10/02/2012)

>   Kiểm toán các “ông lớn”: Biết dư luận quan tâm, nhưng... (10/02/2012)

>   Lo khi số doanh nghiệp mới sụt giảm (09/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật