Thứ Năm, 09/02/2012 14:09

Lo khi số doanh nghiệp mới sụt giảm

Số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm trong tháng 1 có là mối lo cho nền kinh tế?

Một thông tin đang thu hút sự chú ý của dư luận là, trong tháng 1/2012, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 4.117 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 18.200 tỷ đồng, giảm 36% về số lượng DN và giảm 56% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng “đìu hiu” không kém. Dù được hỗ trợ rất lớn từ dự án trị giá 575 triệu USD của nhà đầu tư Bridgestone, nhưng tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cả đăng ký mới và tăng thêm, chỉ bằng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Có lẽ, không quá khó để lý giải tình trạng này. Chỉ nhìn vào hai kết quả khảo sát vừa được công bố gần đây về chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) cũng phần nào có câu trả lời. Cụ thể, với báo cáo về BCI của EuroCham, dù quý I/2012, chỉ số này tăng nhẹ 4 điểm, song chỉ có 39% DN đánh giá “tốt” hoặc “xuất sắc” về triển vọng kinh doanh của mình. Dù con số này đã tăng 12% so với quý trước, nhưng lại quá thấp so với mức 72% của cùng kỳ năm 2011.

“Mức độ lòng tin của DN vẫn còn xa so với mức của năm ngoái. Điều đó cho thấy sự không chắc chắn giữa các nhà đầu tư vẫn còn”, ông Alan Cany, Chủ tịch EuroCham nhận xét.

Có lẽ, các mối lo về tình hình kinh tế vĩ mô của châu Âu và Việt Nam là lý do khá cơ bản khiến các DN châu Âu kém lạc quan hơn. Cũng không quá chủ quan khi cho rằng, đó cũng là mối quan ngại của các nhà đầu tư khác, đến từ Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc, Đài Loan…

Tình hình cũng không khả quan hơn với các DN trong nước. Thậm chí, theo kết quả điều tra của Công ty Dịch vụ thông tin tài chính WVB Việt Nam, BCI quý 4/2011 của các DN Việt Nam đã sụt giảm mạnh, khi chỉ đạt 116 điểm, giảm tới 7 điểm so với quý III/2011.

Kết quả điều tra cho thấy, so với quý III/2011, số DN lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới đã giảm 10,5%.

“Sự giảm điểm của BCI đã cho thấy tâm lý nhạy cảm và bất an của các DN trước các biến động liên tiếp của kinh tế trong nước năm qua”, WVB nhận định. Còn với các DN, họ vẫn tiếp tục cho rằng, năm 2012, kinh tế Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, như lạm phát cao, lãi suất lớn, đầu tư kém hiệu quả…

Không chỉ kết quả khảo sát mới cho thấy sự bất an của DN. Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đánh giá về sự sụt giảm số lượng DN thành lập mới cũng đã thừa nhận rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này là do tình hình kinh tế thế giới kém lạc quan, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, cũng như thị trường tài chính - kênh huy động vốn quan trọng của DN. “Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách tài khoá chặt chẽ, thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát… cũng đã hạn chế khả năng huy động vốn của các DN. Đó là những nguyên nhân chính làm giảm số lượng DN đăng ký mới, tăng số lượng DN giải thể, đóng cửa”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Số lượng DN đăng ký thành lập mới, cũng như lượng vốn đầu tư đăng ký mới thường được xem như là một trong những chỉ báo về mức độ hoạt động tích cực, năng động của nền kinh tế. Vì thế, câu hỏi đặt ra là, liệu điều này có đáng lo ngại?

Một câu trả lời hiển nhiên rằng, chuyện cả đầu tư và kinh doanh sụt giảm, dù trước mắt chỉ trên phương diện “đăng ký mới”, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Bởi về lâu dài, nếu không được “tiếp sức”, hệ thống DN, nền kinh tế sẽ thiếu hụt năng lực cho sản xuất. Và nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư, thì hệ lụy đối với nền kinh tế là không nhỏ.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Xuân Quyến, chuyên gia kinh tế – đầu tư, lại có một góc nhìn khác.

Theo ông Quyến, việc suy giảm số lượng DN đăng ký mới không làm các nhà kinh tế ngạc nhiên, khi mà nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đang ở trong giai đoạn khó khăn, sản xuất đình trệ vì lạm phát, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp cao, sức cầu giảm sút... “Nhưng số lượng DN thành lập mới chỉ là chỉ tiêu thô. Chất lượng DN (lợi nhuận, tỷ lệ DN mới thành lập tồn tại và phát triển) là điều đáng quan tâm hơn”, ông Quyến nói và lý giải rằng, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi thường kéo theo sự bùng nổ về số lượng DN mới và dĩ nhiên, rủi ro thua lỗ, phá sản đi kèm. Chuyện bùng nổ hàng loạt công ty kinh doanh, môi giới bất động sản, chứng khoán, trong mấy năm gần đây, giờ có kết quả kinh doanh tiêu cực là ví dụ điển hình.

“Vì thế, ở một góc nhìn khác, số lượng DN mới thành lập giảm sút đáng kể trong bối cảnh hiện tại chỉ là sự phản ánh mức độ cân nhắc thận trọng hoạt động kinh doanh của DN khi môi trường kinh doanh hàm chứa rủi ro cao và lợi nhuận kém. Điều này được một số nhà kinh tế cho là sự điều chỉnh cần thiết và sự thận trọng này có nội hàm tích cực”, ông Quyến nói.

Nguyên Đức

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Sẽ kiểm toán 24 tổng công ty Nhà nước (09/02/2012)

>   Vũng Tàu kêu gọi đầu tư công nghiệp hỗ trợ, siêu thị (09/02/2012)

>   Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng (09/02/2012)

>   Lựa chọn hướng đi phù hợp cho các khu kinh tế (08/02/2012)

>   Việt Nam là thị trường sơ khai tiềm năng nhất thế giới (08/02/2012)

>   Kinh tế đầu năm: Viết tiếp lời cảnh báo (08/02/2012)

>   HSBC: Doanh nghiệp nên cân nhắc vay trong năm nay (07/02/2012)

>   Quảng Ninh: Ưu đãi cho 18 dự án kêu gọi đầu tư (07/02/2012)

>   FDI tháng 1 quá thấp vì... đợi năm Rồng (07/02/2012)

>   Kinh tế vận hành đúng quỹ đạo (07/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật