Kinh tế vận hành đúng quỹ đạo
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Đặng Ngọc Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) nhận định: “Nền kinh tế đang vận hành đúng quỹ đạo với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế”.
Là một trong những thành viên tham gia toàn bộ quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông lo ngại nhất điều gì khi Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu?
Sau 5 năm hội nhập sân chơi toàn cầu, có lẽ, tất cả những người trực tiếp tham gia đàm phán gia nhập WTO đã “thở phào nhẹ nhõm” vì 3 mối lo ngại nhất trong quá trình đàm phán đã không xảy ra. Đó là, hụt thu ngân sách do phải cắt giảm hàng loạt thuế suất thuế nhập khẩu; hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực do hàng hoá trong nước khó cạnh tranh được với hàng hoá nhập khẩu; các nước trợ cấp nông nghiệp khiến xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng.
Sau 5 năm gia nhập WTO, ngoại trừ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước, số thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước từ 15,5% đến 51,7%; hoạt động sản xuất trong nước không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa, mà còn nâng được sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Thực hiện lộ trình gia nhập WTO, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại thị trường tài chính, đặc biệt là ngân hàng, sẽ bị tác động đáng kể do tiềm lực tài chính của ngân hàng nội quá yếu so với ngân hàng nước ngoài, thưa ông?
Ngoại trừ thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam như bảo hiểm, ngân hàng, trái phiếu, kế toán - kiểm toán… đã tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm qua. Chúng ta đã cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng đến thời điểm này, 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam đều là ngân hàng nội địa. Trong tương lai, các ngân hàng nội địa sẽ vẫn thống lĩnh thị trường tiền tệ, vì thế, có thể khẳng định rằng, việc mạnh dạn mở cửa thị trường tài chính là một bước đi hoàn toàn đúng đắn.
So với nhiều thành viên khác của WTO, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam vẫn tỏ ra lép vế, nên khi cắt giảm thuế nhập khẩu, chắc chắn doanh nghiệp trong nước chịu nhiều tác động?
Doanh nghiệp trong nước chịu nhiều tác động khi chúng ta thực hiện lộ trình mở cửa, nhưng là tác động tích cực. Những năm đầu gia nhập WTO, nhiều người lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sẽ đổ vỡ hàng loạt do không thể cạnh tranh được, nhưng thực tế đã không xảy ra, mà ngược lại, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trưởng thành hơn, sức cạnh tranh ngày càng được cải thiện.
Đơn cử, ngành dệt may phải chịu sức ép rất lớn vì mức cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm dệt may rất cao (thuế nhập khẩu sợi giảm từ 20% xuống 5%; vải giảm từ 40% xuống 12%; quần áo giảm từ 50% xuống 20%...), nhưng sau 5 năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc và ngành này đã lọt vào danh sách 10 nước và vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Năm 2012, Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu 945 dòng thuế. Theo ông, việc cắt giảm thuế này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất trong nước?
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam hiện có 9.558 dòng thuế, trong đó, năm nay, chúng ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 945 dòng thuế. Số lượng dòng thuế phải cắt giảm trong năm nay cũng chỉ tương đương với năm 2011 (924 dòng thuế) và mức cắt giảm cũng tương đương (cắt giảm chủ yếu từ 1% đến 3%). Hơn nữa, những mặt hàng cắt giảm thuế nhập khẩu đều là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, như thủy - hải sản, bánh kẹo, sản phẩm giấy, sản phẩm điện, điện tử…
Vì vậy, cũng như năm 2011, tác động của việc cắt giảm thuế nhập khẩu không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước, thậm chí còn có tác dụng ngược lại. Đơn cử, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu của ngành dệt may (vải, sợi…) còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh.
Là người theo dõi sát sao diễn biến của nền kinh tế sau khi gia nhập WTO, tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành đúng quỹ đạo với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Mạnh Bôn
đầu tư
|