Không nên đặt nặng về lượng vốn FDI đăng ký
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng 1/2012 chỉ bằng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, cần phải phân tích những con số của tháng 1/2012 một cách cẩn trọng trước khi có những nhận định về xu hướng thu hút FDI của năm 2012.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1/2012, cả nước chỉ có thêm 25 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 29,5 triệu USD. Nếu cộng cả 7,8 triệu USD vốn tăng thêm thì tổng vốn FDI đăng ký của tháng 1/2012 chỉ bằng 3% so với cùng kỳ năm 2011. Ông có nhận định gì về các con số này?
Kết quả này là khá khiêm tốn, song không phản ánh đúng thực trạng thu hút vốn FDI trong tháng đầu năm 2012 và cũng như triển vọng thu hút FDI của cả năm 2012.
Nói vậy là bởi số liệu thống kê được chốt vào ngày 20 hàng tháng. Tháng 1 năm nay trùng với Tết cổ truyền của Việt Nam, nên số ngày làm việc của các địa phương cũng bị giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng giấy chứng nhận đầu tư được cấp phép trong tháng.
Theo thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình thu hút FDI trong tháng 2 và các tháng tiếp theo sẽ có những thay đổi rất tích cực.
Cụ thể thế nào, thưa ông?
Đã có một số dự án lớn được cấp phép ngay trong những ngày đầu của tháng 2/2012, như Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe của Bridgestone, với vốn đầu tư lên tới trên 575 triệu USD. Bên cạnh đó, trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, một số dự án với quy mô vốn lớn dự kiến được cấp phép, như Dự án Sản xuất thiết bị y tế trong VSIP Hải Phòng của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD; Dự án Đầu tư khu công nghiệp diện tích 300 ha của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án Trung tâm mua sắm AEON trong Khu công nghiệp Bình Dương với tổng vốn đầu tư 95 triệu USD; Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp trong Khu đô thị - thương mại - dịch vụ The Season Bình Dương do Công ty Lotte Việt Nam đầu tư, với số vốn 31 triệu USD; Dự án Sản xuất sản phẩm kim loại với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD...
Cũng cần nói thêm rằng, có một số dự án đã hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chủ đầu tư đề nghị thủ tục trao giấy chứng nhận chuyển sang đầu năm Nhâm Thìn để được nhiều may mắn. Đây là tâm lý khá phổ biến của các nhà đầu tư đến từ châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.
Có thể nói, đang có những tín hiệu tích cực đối với hoạt động thu hút FDI năm 2012?
Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, FDI trong năm 2012 sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt, ít nhất là bằng hoặc cao hơn so với năm 2011.
Dự báo tích cực này dựa trên cơ sở các giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả mà Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tại Chỉ thị 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 (về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư nước ngoài). Các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp trong Chỉ thị này.
Cụ thể, trong năm 2012 và các năm tiếp theo, để tiếp tục thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để quản lý FDI theo 3 hướng: một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI; hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về FDI và ba là hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI.
Ở đây cũng phải nhắc lại rằng, việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký, mà tập trung thúc đẩy giải ngân vốn FDI.
Hoạt động thu hút vốn FDI sẽ phải gắn với, phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
Nhìn vào danh sách một số dự án FDI lớn đang chờ đợi nhận giấy chứng nhận đầu tư, có thể thấy, hoạt động thu hút FDI đang theo đúng hướng là chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh” thân thiện với môi trường, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…
Khánh An
đầu tư
|