Để vàng trong dân không "chết"
Cần các chính sách gián tiếp làm thị trường sáng sủa hơn
Vấn đề này khiến liên tưởng đến câu chuyện anh con trai về nhà thuyết phục mẹ mình bán số vàng để đời của bà để đầu tư trong khi anh ta háo hức chứ chưa biết rõ mình sẽ làm gì. Trong khi đó, bà mẹ có thể rất có lý khi khuyên con mình rằng vàng vẫn mãi là vàng, nó là giá trị và nếu con không biết làm gì thì mẹ để dành cho cháu mẹ cũng chẳng sao!
|
Giải pháp khai thông lượng dự trữ vàng trong dân để đầu tư vào nền kinh tế, có lẽ không gì khác hơn là các chính sách gián tiếp nhằm làm sáng sủa hơn các thị trường đầu tư khác như chứng khoán, ngân hàng... |
Chưa rõ cách thức huy động vàng trong dân chúng sẽ được thực hiện như thế nào, tuy nhiên có thể cho rằng việc này có lẽ sẽ thuộc một trong hai nhóm giải pháp hành chính và kinh tế.
Nhóm giải pháp hành chính rõ ràng khó thực hiện bởi vì không thể khiến người dân cung cấp vàng cho hệ thống kinh tế bằng các quy định, quy chế, khuyến khích (trừ khi cho chiến tranh trong thời chiến (?). Nhóm giải pháp này có thể có tác dụng trong trường hợp ngăn cản cung vàng chứ thật khó khả thi khi muốn thúc đẩy việc này. Nói cách khác, giải pháp hành chính sẽ có tác dụng khi muốn làm tê liệt hơn là thúc đẩy cung vàng.
Còn ở góc độ kinh tế, các ngõ ra (bán ra) của vàng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế như mong muốn có thể gồm đầu tư kinh doanh, đầu tư chứng khoán, địa ốc (trực tiếp) hay chuyển sang tiết kiệm/tín dụng ngân hàng (gián tiếp vào nền kinh tế). Rõ ràng để các ngõ này nhộn nhịp thì các thị trường này phải ổn định và phát triển, và hơn hết là phải tạo được lòng tin cho nhà đầu tư. Xét trong ngắn hạn (hơn một năm trở lại đây) thì rõ ràng việc găm giữ/đầu tư vàng là có lợi hơn đầu tư vào các thị trường nêu trên. Vì thế, khó thuyết phục người dân thay thế việc giữ vàng bằng các cách đầu tư khác. Đặc biệt là trong điều kiện việc xây dựng lòng tin bằng sự minh bạch cũng như nhất quán trong điều hành vĩ mô chưa thật sự được xem trọng.
Như vậy, các giải pháp khai thông lượng dự trữ vàng trong dân để đầu tư vào nền kinh tế, có lẽ không gì khác hơn là các chính sách gián tiếp nhằm làm sáng sủa hơn các thị trường đầu tư khác như chứng khoán, ngân hàng cũng như tạo môi trường thông thoáng cho các cơ hội kinh doanh, tạo môi trường bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
Khi các thị trường này minh bạch và phát triển, năng lực sản xuất của nền kinh tế đủ mạnh, vàng sẽ được chuyển vào nền kinh tế.
TS Lê Vĩnh Triển
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|