Ninh Bình đổi mới phương thức huy động vốn
Ninh Bình đổi mới phương thức huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2015 được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định: “Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập; đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ phát triển mạnh”.
Nhìn vào các yếu tố tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 có thể thấy, yếu tố tài nguyên sẽ tham gia ở mức hạn chế; khoa học công nghệ và lao động cần có những chính sách dài hơi mới phát huy được tác dụng. Do vậy, tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu của tỉnh sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu tư.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới đứng trước thách thức lớn, bởi sụt giảm đáng kể của tổng đầu tư xã hội nói chung, đầu tư công nói riêng có thể dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu đầu tư. Theo tính toán, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 – 2015 (tăng bình quân 14%/năm), tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh cần khoảng 105.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư công khoảng 45.000 tỷ đồng.
Do đó, một nhiệm vụ đặt ra là cần phải đổi mới phương thức huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh những năm tới. Việc đổi mới này nên thực hiện theo một số định hướng giải pháp chủ yếu sau:
Một là, lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đây là giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo mức vốn đầu tư toàn xã hội như đã tính toán nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tập trung xây dựng chính sách huy động, tạo điều kiện thuận lợi như mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nghiên cứu triển khai, tạo điều kiện liên doanh, liên kết để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Xây dựng danh mục dự án thu hút và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án không bố trí được nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ hoặc không chuyển đổi được sang sang hình thức đầu tư khác. Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, liên hiệp các tổ chức hữu nghị để tiếp cận huy động vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ.
Thực tế, cuối tháng 12/2011, đoàn công tác của Ninh Bình đã thăm và làm việc với Hội Việt kiều người Ninh Bình tại CHLB Đức để xúc tiến đầu tư nhà máy bia. Đây là một trong những bước đi khởi đầu cho công tác xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất của tỉnh trong thời gian tới.
Hai là, tăng cường xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, trước mắt là các dự án chuyển tiếp từ năm 2011 có thể chuyển đổi sang các hình thức đầu tư xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao – khai thác (BTO), xây dựng – chuyển giao (BT), và hợp tác công – tư (PPP). Để thực hiện được điều này, các cơ quan có chức năng cân đối nguồn vốn của từng công trình đang và sẽ thực hiện để lập thành danh mục các công trình kêu gọi đầu tư bằng các hình thức kể trên. Đồng thời, rà soát các dự án mà Nhà nước đã và đang đầu tư, các chính sách huy động vốn để xem xét, xây dựng phương án bổ sung nguồn thu cho nhà đầu tư tham gia thực hiện bằng các hình thức đầu tư này ngay sau khi có kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2013 – 2015 của cả nước.
Đối với hình thức đầu tư PPP, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhằm thay đổi tư duy đầu tư cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, theo nguyên tắc: Nhà nước và tư nhân cùng tham gia quản lý, có trách nhiệm rõ ràng về rủi ro và lợi ích của mỗi bên trong quá trình cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.
Đối với chính sách “sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”, cụ thể là “đổi đất lấy công trình” – một dạng của hình thức đầu tư BT – cần chủ động, linh hoạt thực hiện trong khi chờ đợi cơ chế chính sách chung. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng đảm bảo không trái với pháp luật, không phá vỡ quy hoạch phát triển chung của tỉnh và của từng địa phương.
Mặt khác, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân, vận động cộng đồng dân cư tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu dịch vụ, các cơ sở y tế, giáo dục và các công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại 25 xã điểm trong giai đoạn 2011 – 2015.
Ba là, các cấp, ngành chấp hành nghiêm túc việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư công theo sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện các bộ, ngành. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ Tướng Chính phủ; Văn bản số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thống nhất thực hiện theo các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, như Văn bản số 539/UBND-VP4 ngày 16/1/2011, Văn bản số 342/UBND-VP4 ngày 27/7/2011, Văn bản số 427/UBND-VP4 ngày 21/9/2011.
Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh bình
Đầu tư
|