Thứ Ba, 21/02/2012 10:08

Lãi suất cho vay có thực giảm?

Ba ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay với mức thấp nhất còn 14,5 - 15%/năm. Tuy nhiên, rất ít khách hàng tiếp cận được mức lãi suất này.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức công bố hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất còn 14,5% với đối tượng khách hàng xuất khẩu thanh toán qua ngân hàng này.

Giảm chỉ… tượng trưng

Vietcombank cũng cho biết doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn (bao gồm hộ gia đình), sẽ áp dụng mức lãi suất 15%/năm. Các khách hàng thuộc lĩnh vực này tại địa bàn TP.HCM sẽ được vay với mức lãi suất thấp hơn, chỉ 14,5%/năm. Tương tự, đại gia BIDV cũng có một thông báo trước Tết về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng còn 14,5 - 15,5% /năm đối với các doanh nghiệp thuộc ngành hàng xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Nhưng khi tới các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng này, hầu như doanh nghiệp không thể chạm vào được các loại lãi suất nói trên. Anh Hoàng Duy Tuấn, chủ một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, cho biết: “Tôi hỏi nhân viên Vietcombank, chi nhánh TP.HCM  về lãi suất cho vay thời điểm này là 15% phải không thì được nhân viên trả lời là hiện tại chưa có thông tin gì mới về lãi suất, cũng chưa có ưu đãi gì cho doanh nghiệp. Lãi cho vay ngắn hạn do ngân hàng này công bố ra vẫn 17,5 - 17,8%/năm”. Một phó giám đốc chi nhánh của Vietcombank cho biết có thông báo giảm lãi suất từ Hội sở, nhưng “cho vay ngắn hạn 15%, song chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nào bán USD cho ngân hàng, thường xuyên thanh toán qua ngân hàng này từ trước đó”. Và quan trong hơn là “ngân hàng phải duyệt hồ sơ, xem mức độ thanh toán của doanh nghiệp, số USD doanh nghiệp bán cho ngân hàng là bao nhiêu mới có quyết định chính thức về lãi suất”.

Giải thích vì sao “ngân hàng thông báo giảm lãi suất nhưng để vay được doanh nghiệp phải trả cao hơn ít nhất 2%/năm”? Một nhân viên tín dụng của Vietcombank chi nhánh TP.HCM, nói: “Rất ít doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí để được vay vốn với lãi suất 14,5 - 15%/năm. Lãi suất này chỉ… tượng trưng thế thôi. Lãi cho vay tiền đồng hiện nay vẫn là 17,5% /năm đối với ngắn hạn (vay dưới 12 tháng)”.

Phụ thuộc vào… bất động sản?

Trong khi ngân hàng lớn hô to giảm ít, các ngân hàng nhỏ thì vẫn “khư khư” giữ lãi suất ở mức cũ và cao ngất ngưởng. Lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần như ACB, Eximbank… đối với doanh nghiệp vẫn ở mức 20%/năm. “Chúng tôi không cho vay thấp được khi giá lãi suất huy động đã rất cao. Dù biết lãi suất cao như vậy thì khó cho vay nhưng thà chịu giảm ít khách hàng còn hơn tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB khẳng định. Với những ngân hàng nhỏ hơn, lãi suất cho vay tiền đồng còn “khủng” hơn khi nhiều nơi vẫn lãi suất 21 - 23%/năm. “Làm ngân hàng ai cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhưng hiện tại vay trên thị trường liên ngân hàng rất khó mà huy động từ dân thì không dễ, nên đành để lãi suất cao cho… doanh nghiệp đỡ vay”, một phó giám đốc chi nhánh của ngân hàng nhỏ tiết lộ.

Về việc lạm phát đã giảm nhưng lãi suất vẫn “căng”, một chuyên gia kinh tế phân tích: “Lãi suất không giảm được do các ngân hàng thiếu tiền mặt. Tài sản của nhiều ngân hàng đang “rơi” vào bất động sản, không cách gì thoát ra được nên thanh khoản thiếu trầm trọng. Nếu có chính sách khơi thông thị trường bất động sản may ra các ngân hàng mới thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của thị trường nhà đất và lúc này lãi suất mới giảm được”. Theo vị này, không thể “trách” các ngân hàng lớn khi chỉ giảm lãi suất mang tính “tượng trưng”, vì bản thân các ngân hàng lớn cũng “khó đáp ứng” nhu cầu vốn cho hàng loạt doanh nghiệp được.

Hà Phương

đất việt

Các tin tức khác

>   Ngân hàng nhóm 1 lần lượt công bố (21/02/2012)

>   Bao giờ Ngân hàng Trung ương thay thế Ngân hàng Nhà nước? (21/02/2012)

>   Maritime Bank nhận chỉ tiêu tăng tín dụng 17% (21/02/2012)

>   Giải nhanh bài toán hạ lãi suất (20/02/2012)

>   ANZ hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà (20/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Cần sự quyết đoán của NHNN! (20/02/2012)

>   “Giấy khám sức khỏe ngân hàng”: Vé thông hành (20/02/2012)

>   Ông Nguyễn Đức Kiên: Nên giảm lãi suất ngay (20/02/2012)

>   Khổ sở với 5 "chiêu" siết nợ của ngân hàng (20/02/2012)

>   Những ngân hàng được phân loại đầu tiên (20/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật