Huy động vàng trong dân: Đề phòng rủi ro phát sinh
Không đơn thuần chỉ thông qua các TCTD làm trung gian huy động, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm các giải pháp hỗ trợ để việc huy động lượng vàng đang nằm trong dân có hiệu quả hơn cũng như phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, gây áp lực lên dự trữ ngoại hối vàng.
Lường trước
Từ rất sớm trước thời điểm tháng 5.2011, khi mà các TCTD tín dụng phải chấm dứt cho vay và huy động vốn bằng vàng, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, sẽ là lãng phí một nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển KT-XH của đất nước nếu không sớm có biện pháp huy động tiềm lực nguồn vàng đang nằm trong dân. Vào thời điểm này, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) – TS Phí Đăng Minh cho rằng, với lượng vàng trong dân còn khoảng 300-400 tấn, cấm các TCTD huy động vàng nhưng không có giải pháp hay kênh huy động mới sẽ là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực trong dân. Chính trong bối cảnh này, việc Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình, mới đây cho biết cơ quan sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân được dư luận đặc biệt quan tâm.
So với thời điểm trước tháng 5.2011, đề án huy động trên đây có thêm nhiều cơ sở pháp lý mới khi được xây dựng dựa trên cơ sở của nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vừa được NHNN trình lên Chính phủ và Nghị định số 95/2011 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng. Theo người đứng đầu NHNN, nội dung hay phương án cơ bản của đề án huy động trên là trong thời gian tới NHNN sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD như các đại lý trong việc huy động vàng. Nhà nước theo đó sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường, song với nhiều công cụ khác nhau như kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, đảm bảo giá trị tài sản của người dân.
Rủi ro dự trữ?
Những nội dung của đề án huy động vàng mà NHNN đang xây dựng thực tế đến nay mới được tiết lộ gói gọn trong các thông tin mà người đứng đầu cơ quan này đưa ra. Song câu chuyện huy động vàng trong dân không đơn giản như một kênh huy động vốn thông thường. Với kênh huy động vốn này, ngoài vị trí trung gian hay đại lý huy động của các ngân hàng, cần có sự tham gia của NHNN với vai trò là người mua cho quỹ dự trữ ngoại hối vàng. Phương thức này sẽ đặt ra những thách thức trong việc giữ cho dự trữ ngoại hối bằng vàng không bị thiệt hại và đảm bảo những nguyên tắc cơ bản về quản lý ngoại hối dự trữ như an toàn, thanh khoản và sinh lời. Bởi ngay khi đặt vấn đề NHNN sẽ đứng ra mua vàng dự trữ trong dân, TS Phí Đăng Minh cho rằng, cần tính đến những rủi ro khi giá vàng biến động. Do đó để đảm bảo an toàn – một trong ba nguyên tắc quản lý ngoại hối dự trữ của Nhà nước, việc mua vàng phải đảm bảo số vàng mua được phải thực hiện hoán đổi ra ngoại tệ ngay, càng nhanh càng tốt mới tránh được thiệt hại.
Thực tế như đã viết trên đây, dù không công bố chi tiết song theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cùng với giải pháp sử dụng các ngân hàng làm đại lý huy động vàng, cơ quan này sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau nữa trong đó có kênh kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế. Các phương án, giải pháp tổng thể này cũng là nhằm bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới cũng như đảm bảo giá trị tài sản của người dân.
Về phía các ngân hàng tham gia đề án với vai trò trung gian huy động, một số ý kiến cho rằng, cần thiết kế một cơ chế phát hành chứng chỉ bằng vàng đi cùng với huy động vàng, việc sử dụng nó cũng như một thị trường thứ cấp riêng phục vụ hoạt động giao dịch các loại chứng chỉ có giá trị vàng này. Theo tìm hiểu tại một số nước Châu Á hiện nay, người dân có thể sử dụng các chứng từ này như một tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Hơn nữa, với việc huy động vốn vàng, ngoài các yếu tố rủi ro giá, các ngân hàng cũng phải trả lãi cho người gửi vàng và điều này đặt ra yêu cầu phải có cơ chế rõ ràng về việc biến hay chuyển đổi vàng thành vốn đầu tư. Dĩ nhiên với việc được xây dựng dựa trên nghị định thay thế nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vốn vẫn đang được Chính phủ xem xét, đề án huy động vàng trong dân chắc chắn sẽ phải chờ đến khi Nghị định này được ban hành. NHNN có thể sẽ còn tiếp tục rà soát và hoàn thiện đề án này trong thời gian tới đây.
Văn Nguyễn
lao động
|