Hết “cửa” đầu cơ USD
Cầu ngoại tệ giảm mạnh trong khi nguồn cung USD dồi dào khiến giá USD lao dốc những ngày qua
Trong vòng một tuần qua, giá USD tại các ngân hàng (NH) và thị trường tự do liên tục sụt giảm về dưới mốc 21.000 đồng/USD, chênh lệch giá trong NH và “chợ đen” cũng dần rút ngắn. “Thuốc” của NH Nhà nước đã phát huy tác dụng?
Mất mốc 21.000 đồng/USD
Ngày 10-2, giá USD trong các NH thương mại tiếp tục lùi về mốc 20.880 đồng/USD (bán ra). Tại Hội sở NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD được niêm yết lần lượt là 20.810 đồng/USD mua vào, 20.880 đồng/USD bán ra, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mua vào 20.840 đồng/USD, bán ra 20.895 đồng/USD. Các NH khác như Eximbank, ACB, BIDV…, giá USD cũng sụt giảm mỗi ngày. Nếu so với mức kịch trần được phép giao dịch 21.036 đồng/USD, mỗi USD đã giảm đến 136 đồng.
Tương tự, giá USD trên thị trường tự do cũng lao dốc. Ngày 10-2, một số tiệm vàng tại TPHCM báo giá lần lượt là 20.820 đồng/USD mua vào, 20.920 đồng/USD bán ra, giảm 30 đồng/USD so với ngày trước đó. Chủ một tiệm vàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 - TPHCM cho biết thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, giá USD vẫn trụ ở mốc cao từ 21.200 - 21.300 đồng/USD. Thế nhưng những ngày gần đây, giá liên tục sụt giảm. Tính ra, giá mua vào USD trên thị trường tự do chỉ bằng hoặc thấp hơn trong NH - điều trước đây rất hiếm xảy ra.
Tỉ giá USD trong ngân hàng đang giảm mạnh. Ảnh: TẤN THẠNH
Một số NH cho biết nguồn cung ngoại tệ đang có xu hướng tăng và thậm chí còn dư thanh khoản, phải tìm doanh nghiệp để cho vay… Hiện tượng này trái ngược hẳn với cùng kỳ năm ngoái, khi giá USD liên tục “nhảy múa” có lúc tiến sát 22.000 đồng/USD, chênh lệch USD trong NH và “chợ đen” có lúc lên gần 2.000 đồng/USD.
Theo các NH, nguồn cung ngoại tệ đầu năm 2012 khá dồi dào khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2011 đạt mức kỷ lục 9 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với năm 2010. Đến thời điểm này, kiều hối vẫn đang tiếp tục chảy vào nước ta. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết tính từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối tiếp tục về, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Doanh số thu mua ngoại tệ của các NH trên địa bàn TPHCM cũng tăng khoảng 7% - 8% so với cùng kỳ năm trước.
Giảm là hợp lý
Các chuyên gia kinh tế đánh giá “thuốc” của NH Nhà nước đã phát huy tác dụng đáng kể trong việc giảm cầu ngoại tệ. Cụ thể, từ ngày 9-5-2011, khi Thông tư số 07 của NH Nhà nước áp dụng, quy định chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ mới được vay USD đã làm giảm đối tượng vay USD.
Tỉ giá sẽ biến động trên cơ sở của cung - cầu ngoại tệ trên thị trường nhưng chắc chắn sẽ không lặp lại kịch bản của năm 2010 và 2011.
ThS Trương Tiến Sĩ (Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) |
Chính phủ chú trọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu làm giảm tình trạng nhập siêu khiến áp lực lên tỉ giá không còn như trước. Cuối năm 2011, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư hơn 3 tỉ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối sau nhiều năm thâm hụt. Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy nhập siêu tháng 1-2012 chỉ còn 100 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu và ở mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Thêm nữa, Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, NH theo hướng tăng nặng mức phạt lên tới 300-500 triệu đồng đã hạn chế tình trạng mua bán, giao dịch hàng hóa bằng USD. “Quan trọng hơn, tuyên bố của thống đốc về điều hành tỉ giá năm 2012 sẽ không vượt quá 3% đã xóa bỏ phần nào tâm lý găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hoàng Minh lý giải.
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) Phạm Thiện Long cho rằng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường dồi dào còn do một số doanh nghiệp đủ điều kiện vay ngoại tệ rồi bán ngược trở lại ra thị trường, thu tiền đồng khiến nguồn cung USD tăng thêm. Ngoài ra, việc cho một số NH được phép kinh doanh vàng qua tài khoản, bán vàng trong kho giúp thị trường vàng lặng sóng cũng góp phần giảm nhu cầu gom USD nhập khẩu vàng, giảm áp lực lên tỉ giá…
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá: “Hiện tiền đồng đang khan hiếm, lãi suất VNĐ ở mức cao nên tỉ giá ổn định là hợp lý”. Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc kinh doanh nguồn vốn và thị trường tiền tệ NH HSBC Việt Nam, cho rằng nhiều doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ thấy tỉ giá ổn định đã bắt đầu bán ra để gửi VNĐ hưởng lãi suất cao. Đồng thời, bản thân các NH cũng chuyển từ trạng thái ngoại tệ dương sang âm (bán lố ngoại tệ) để hưởng chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD.
Thái Phương
người lao động
|