Thứ Tư, 29/02/2012 11:28

EVNTelecom về Viettel: Thân phận “con nuôi”

Chuyển đổi thành công sang mạng Viettel, nhưng thuê bao cố định không dây của EVNTelecom lại đột ngột bị cắt liên lạc.

Theo thông báo của Viettel, để được tiếp tục hoạt động, các thuê bao điện thoại cố định không dây và di động của EVNTelecom phải thực hiện việc chuyển đổi sang mạng Viettel. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số thuê bao điện thoại cố định không dây của EVNTelecom, mặc dù đã chuyển đổi thành công sang mạng Viettel, nhưng vẫn đột ngột bị cắt liên lạc.

Chủ nhân số thuê bao 04221xxxxx cho biết, từ ngày 9/2, đã thực hiện chuyển đổi sang mạng Viettel, nhưng đến ngày 26/2 thuê bao đột ngột bị cắt liên lạc mà không có bất cứ thông báo nào trước đó. Lý do cắt liên lạc được Viettel đưa ra là do chưa thanh toán cước phí dịch vụ tháng 12 và tháng 1. Tuy nhiên, theo chủ thuê bao trên, trước thời điểm ngày 26/2, Viettel không gửi bất cứ thông báo nào về việc đóng phí cước thuê bao tháng, hay gửi tin nhắn yêu cầu đóng cước phí nếu không sẽ bị cắt liên lạc, cũng như việc cử nhân viên đến nhà thu cước.

Cũng theo chủ thuê bao trên, vào thời điểm thực hiện chuyển đổi sang mạng Viettel, nhân viên giao dịch tại cửa hàng của Viettel tư vấn rằng, nếu bỏ ra 569.000 đồng để mua máy và SIM trắng phục vụ việc chuyển đổi, khách hàng sẽ nhận được khuyến mãi 500.000 đồng trừ vào tiền cước phát sinh hàng tháng và hệ thống sẽ tự động thực hiện thanh toán cho khách hàng.

Liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel để giải quyết vấn đề trên, cô nhân viên chăm sóc khách hàng trả lời: “Trong thời gian chuyển đổi không tránh khỏi sơ xuất mong khách hàng thông cảm”. Theo cô nhân viên này, sự “sơ xuất” trên là do, tại thời điểm này, có thể, nhân viên thu cước của Viettel chưa nhận được bàn giao, còn nhân viên thu cước của EVNTelecom trước đây do đã thực hiện sáp nhập, nên không đến thu nữa.

Cũng theo nhân viên trên, bất cứ thuê bao nào thực hiện chuyển đổi trong thời gian này, cũng sẽ gặp phải tình trạng sơ xuất trên do sự khác biệt về quy trình tính cước và chốt cước của EVNTelecom và Viettel. Hệ thống tính cước của Viettel sẽ thông báo cước đến thuê bao vào ngày mùng 6 hàng tháng và tự động cắt liên lạc của thuê bao vào ngày 26 hàng tháng nếu thuê bao không thanh toán cước trước thời điểm này.

Như vậy, mặc dù phải mất tiền để thực hiện thay tên đổi họ sang mạng Viettel và căn nguyên dẫn đến việc sáp nhập giữa hai nhà mạng EVNTelecom và Viettel không phải lỗi từ khách hàng, nhưng các thuê bao của EVNTelecom dường như vẫn chỉ mang phận “con nuôi”. Ngoài việc phải hậm hực mất tiền để làm lại “giấy khai sinh”, các thuê bao của EVNTelecom trước đây cho đến giờ vẫn không hiểu tại sao mình phải mua máy điện thoại mới và mua SIM trắng của Viettel để thực hiện chuyển đổi, trong khi máy điện thoại trước đây vẫn đang sử dụng tốt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, dụng ý của Viettel là để giải phóng phần băng tần hiện có của EVNTelecom để phục vụ mục đích khác. Vì khi chuyển đổi máy điện thoại đồng nghĩa với việc các thuê bao của EVNTelecom sẽ chuyển sang sử dụng băng tần của Viettel.

Trước đó, tại một cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel đã từng nói, nếu Bộ quy hoạch lại băng tần, đẩy những băng tần thấp (được cấp cho EVNTelecom và S-Fone - PV) cho những doanh nghiệp mạnh như VNPT, Viettel, thì câu chuyện phủ sóng 3G đến tất cả các ngõ ngách sẽ được thực hiện trong vòng vài tháng, chứ không cần chờ đến năm 2020. Giới chuyên môn nhìn nhận, Viettel có thể sử dụng băng tần của EVNTelecom để phủ sóng 3G tại các khu vực nông thôn. Khả năng thứ hai là Viettel bán toàn bộ hạ tầng công nghệ CDMA (công nghệ được xem là thất bại tại Việt Nam) của EVNTelecom và sử dụng giải băng tần cho mục đích khác.

Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, Viettel cũng sẽ chỉ hỗ trợ chuyển đổi cho các thuê bao EVNTelecom đến hết tháng 3, tức là chỉ trong khoảng 3 tháng sau khi chính thức thực hiện sáp nhập giữa EVNTelecom và Viettel.

Đức Huy

đầu tư

Các tin tức khác

>   Vinachem sử dụng hơn 1.100 tỉ đồng không đúng mục đích (29/02/2012)

>   Quay lại cơ chế độc quyền hàng không? (29/02/2012)

>   Saigon Co.op - Năm 2012: Doanh thu 21.000 tỷ đồng (29/02/2012)

>   Tìm cách đưa công nghiệp phụ trợ Nhật vào Việt Nam (28/02/2012)

>   Kinh tế 2 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực (28/02/2012)

>   Thách thức của ngành vận tải biển năm 2012 (28/02/2012)

>   Sản xuất công nghiệp tháng 2 lấy lại đà tăng rõ rệt (28/02/2012)

>   MobiFone “bắt tay” với Zing trong lĩnh vực internet di động (28/02/2012)

>   Khu kinh tế vắng nhà đầu tư (28/02/2012)

>   Thu hút doanh nghiệp Anh: Chờ tín hiệu của chủ nhà (28/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật