Chiêu chuyển lỗ của EVN thời ông Đào Văn Hưng
Đẩy lỗ cho các tổng công ty điện lực dưới hình thức phát hành hóa đơn ghi nợ. 10-2 sẽ công bố thanh tra tiền lương tại EVN.
Ngày 6-2, Bộ Công Thương đã phát đi những thông tin chính thức về việc ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN), thôi chức vụ tại EVN từ ngày 1-2.
Trước đó, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Thủ tướng ra quyết định miễn nhiệm đối với ông Đào Văn Hưng là EVN đã có nhiều tổn thất về tài chính, kinh doanh thua lỗ, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, đặc biệt là viễn thông. Cạnh đó, nhiều dự án điện quốc gia do EVN đảm nhận chậm tiến độ, chi phí đầu tư bị đẩy lên cao.
EVN Telecom: “Điểm nhấn” thua lỗ
Công ty mẹ EVN đã đầu tư 100% vốn nhà nước vào Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom). Tính đến hết năm 2010, số vốn mà EVN đầu tư vào EVN Telecom là 2.442 tỉ đồng, chiếm 4,88% vốn đầu tư (chưa tính đến vốn đầu tư của EVN vào lĩnh vực viễn thông tại các tổng công ty điện lực). Kết quả kinh doanh trong ba năm cho thấy doanh thu năm 2008, 2009, 2010 lần lượt là 3.705 tỉ, 3.004 tỉ, 2.120 tỉ đồng (số tròn). Riêng năm 2010, hoạt động kinh doanh bị lỗ 1.057,7 tỉ đồng. Con số này chưa tính vào toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ.
Để bù vào khoản kinh doanh thua lỗ của EVN Telecom, EVN đã áp dụng quy chế quản lý tài chính như sau: Đối với các thuê bao phát triển trước ngày 30-9-2009 thì các công ty điện lực phải chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối theo tỉ lệ 45% và được hưởng 45% doanh thu cước dịch vụ phát sinh. EVN Telecom chịu 55% chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối. Đối với các thuê bao phát triển từ ngày 1-10-2009 thì các công ty điện lực chịu 100% chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối và được hưởng 60% doanh thu cước dịch vụ phát sinh.
|
EVN Telecom thua lỗ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Thủ tướng ra quyết định miễn nhiệm đối với ông Đào Văn Hưng |
Đến tháng 1-2010, EVN ban hành công văn sửa đổi quy chế hoạt động kinh doanh viễn thông, giảm phần chia cho các công ty. Theo đó, doanh thu cước dịch vụ phát sinh đối với dịch vụ CDMA trả sau và doanh thu từ hoạt động viễn thông công ích được thay đổi: Các công ty điện lực được hưởng 30%, còn EVN Telecom được hưởng 70%.
Đến tháng 3-2010, HĐQT của EVN ban hành Nghị quyết điều chỉnh cơ chế tài chính của hoạt động kinh doanh viễn thông, điều chuyển toàn bộ giá trị còn lại của thiết bị đầu cuối từ EVN Telecom cho các tổng công ty điện lực theo hình thức tăng, giảm vốn. Đồng thời, EVN quy định từ ngày 1-1-2010, doanh thu cước dịch vụ phát sinh sẽ được chia 60% cho các tổng công ty điện lực, 40% cho EVN Telecom. Sau đó, EVN quyết định giảm vốn tại EVN Telecom, tăng vốn tại các công ty điện lực, tổng số tiền 1.026 tỉ đồng.
Sau đó, để giảm khó khăn về tài chính cho EVN Telecom, tháng 5-2011, EVN quyết định điều chuyển 1.026 tỉ đồng chi phí thiết bị đầu cuối chưa phân bổ năm 2010 từ EVN Telecom cho các tổng công ty phân phối điện. Cụ thể, EVN Telecom phát hành hóa đơn ghi nợ cho các tổng công ty điện lực, các tổng công ty điện lực nhận nợ, đồng thời hạch toán giảm nợ phải trả, tăng vốn đầu tư của EVN tại đơn vị. Thực chất việc điều chuyển 1.026 tỉ đồng trên là việc chuyển lỗ từ EVN Telecom sang các tổng công ty điện lực.
Chậm tiến độ, tổn thất hàng ngàn tỉ đồng!
Giai đoạn ông Hưng làm chủ tịch EVN, không chỉ lĩnh vực viễn thông mà ngay cả các dự án đầu tư khác cũng chậm tiến độ và phát sinh chi phí lớn. Nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư: 18 dự án nguồn điện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 82.826 tỉ đồng, 13 dự án truyền tải điện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 1.146 tỉ đồng. Ngoài ra có 13 dự án với tổng mức đầu tư 206.573 tỉ đồng chưa xác định rõ chi tiết của từng nguồn vốn khi phê duyệt dự án.
Theo kết quả kiểm toán, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp đồng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhà thầu như bổ sung chế độ ăn giữa ca, chế độ làm đêm, bổ sung các phụ cấp đặc biệt cho công trình. Tính riêng cho dự án thủy điện Đồng Nai 3 và thủy điện Đồng Nai 4, chi phí làm đêm và ăn giữa ca là 58,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, có đến 15 hợp đồng với giá trị 30.358 tỉ đồng và trên 423 triệu USD bị chậm tiến độ, chưa xác định giá trị phạt chậm tiến độ đối với các nhà thầu.
Ngoài ra, các dự án do EVN giữ cổ phần chi phối như dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2; dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 đều chậm tiến độ, vận hành không ổn định, bị sự cố nhưng chậm được khắc phục. Dự án thủy điện A Vương có hợp đồng tổng thầu xây lắp bị chậm, chưa quyết toán và chưa xác định giá trị phạt chậm tiến độ.
Nhiều chuyên gia cũng như cán bộ ngành điện đã từng dự đoán trước sự ra đi của ông Hưng. Thậm chí, nguyên lãnh đạo một công ty điện lực trực thuộc EVN cho rằng suốt thời gian làm lãnh đạo cao nhất của EVN, ông Hưng không có sự quyết liệt trong việc đề xuất phê duyệt điều hành giá điện một cách hợp lý, khoa học và thiếu sự chia sẻ lợi ích với các tập đoàn khác như than, xăng dầu, những đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành điện. EVN chỉ ưu tiên mua điện từ các đơn vị của mình mà bỏ qua các nhà đầu tư khác bằng cách ép bán giá điện ở mức rất thấp…
10-2 sẽ công bố thanh tra tiền lương tại EVN
Chiều 8-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc thông báo kết quả kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiền lương và thu nhập của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Nguồn tin riêng từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết tại buổi họp, đại diện Bộ Công Thương cơ bản đồng ý với kết quả của đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng EVN kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn trả lương cao và lương của cán bộ văn phòng tại công ty mẹ EVN cao hơn các đơn vị khác là do đặc thù công việc. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo đoàn kiểm tra hoàn thiện báo cáo, các thông tin cụ thể về lương của EVN sẽ được công bố chính thức tại buổi họp báo vào ngày 10-2.
Trước đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại 25 đơn vị của EVN. Vào thời điểm cuối năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả thanh tra tình hình tài chính năm 2010 của EVN. Theo đó, thu nhập bình quân của cán bộ ở công ty mẹ EVN là 13,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/tháng, khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/tháng.
TRÀ PHƯƠNG – NGUYỄN DÂN |
TRÀ PHƯƠNG
Pháp luật TP
|