Thứ Tư, 08/02/2012 19:04

Vinacomin tiếp tục đề nghị thị trường hóa giá than

Hiệu quả sản xuất kinh doanh chính là thước đo năng lực, trình độ khai thác và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp.

Đó chính là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên "Kinh tế Việt Nam và Thế giới" (TTXVN) về chiến lược phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới.

- Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp. Trong bối cảnh ấy, Vinacomin vẫn hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Xin ông cho biết, Vinacomin đã vượt khó bằng cách nào?

Ông Lê Minh Chuẩn: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khó khăn chung, Tập đoàn cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là thị trường đầu ra của sản phẩm vẫn tương đối ổn định, đặc biệt là cuối năm 2011 nhu cầu sử dụng than có tăng, riêng tiêu thụ khoáng sản 6 tháng cuối năm khó khăn hơn.

Nắm bắt được tình hình thị trường, Vinacomin đã đưa ra giải pháp phù hợp, vượt qua khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong năm qua, các công ty trong toàn Tập đoàn đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm, hiệu quả kinh doanh được đảm bảo, vốn chủ sở hữu tăng, thu nhập của người lao động tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng, môi trường vùng mỏ được cải thiện đáng kể.

Một trong những thành tích đáng kể là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 30% (đạt 7.800 tỷ đồng), chỉ đứng sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; bảo đảm việc làm ổn định cho 138.000 lao động, lương của người lao động đạt bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm 2010. Đây là những cố gắng rất lớn của Tập đoàn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

- Ông có thể cho biết mục tiêu của Tập đoàn trong năm nay?

Ông Lê Minh Chuẩn: Bước vào năm 2012, Tập đoàn nhận định sẽ có không ít khó khăn và thách thức, nhất là đối với thị trường vốn, đặc biệt nguồn vốn cho đầu tư và phát triển.

Trong khi đó, những dự án đầu tư các mỏ, hầm lò mới, các tuyến băng tải, kho cảng hay các dự án cải tạo sâu các mỏ lộ thiên cần nguồn vốn rất lớn.

Theo kế hoạch, trong năm 2012, về đầu tư xây dựng cơ bản của Tập đoàn sẽ lên tới 35.000 tỷ đồng, trong đó dự án Núi Béo cần trên 5.000 tỷ đồng; Hà Lầm cần trên 8.000 tỷ đồng… Hệ thống các kho, cảng cũng cần từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng/cụm cảng.

Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng năm 2012 Tập đoàn vẫn quyết tâm đặt mục tiêu tổng doanh thu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn là 96.300 tỷ đồng; than tiêu thụ 45,5 triệu tấn than, tăng 1 triệu tấn so với năm 2011; nộp ngân sách 15.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2011; đầu tư xây dựng cơ bản 32.000 - 35.000 tỷ đồng; lợi nhuận 6.200 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu trên, Tập đoàn đang chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu như tập trung vào kỹ thuật, công nghệ mỏ, tập trung vào công tác thăm dò tài nguyên than, chế biến khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ các dự án mỏ, khoáng sản trọng điểm và dự án hạ tầng mỏ; tập trung huy động vốn bằng nhiều hình thức, ưu tiên cho hình thức huy động vốn từ nguồn xã hội; tăng cường công tác quản trị chi phí, nhất là chi phí công, quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị tài nguyên, khai thác tài nguyên tiết kiệm hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quản lý lao động, quản tiền lương cũng sẽ tiếp tục được quan tâm. Công tác chăm lo đời sống, điều kiện làm việc, đặc biệt là nhà ở cho công nhân hầm lò, sẽ được triển khai tích cực hơn. Công tác quản lý khai thác, vận chuyển than, khoáng sản cũng là một trong những nội dung được quan tâm chỉ đạo trong năm 2012.

- Một trong những nhiệm vụ sản xuất của Tập đoàn trong những năm tới là giảm xuất khẩu than và tăng cường than cho các ngành trong nước. Việc này sẽ tác động như thế nào tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn?

Ông Lê Minh Chuẩn: Chắc chắn sẽ tác động rất lớn vì hiện nay chính sách giá than vẫn được Chính phủ điều tiết. Do đó giá than cung cấp cho các hộ tiêu thụ điện trong nước vẫn chưa được theo giá thị trường.

Nếu nhìn một cách tổng thể thì hiện giá than cho xuất khẩu cao, nhưng theo kế hoạch, xuất khẩu lại giảm dần, năm 2012 chỉ xuất khẩu 13,5-14,5 triệu tấn, giảm 2,5-3,5 triệu tấn so với năm 2011 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình.

Hiện nay, giá bán than cho các cơ sở sản xuất điện mới chỉ bằng một nửa giá thành khai thác than và chỉ bằng 25% giá than cùng loại dùng cho xuất khẩu. Bởi vậy phải dùng lợi nhuận của việc xuất khẩu than để bù đắp lại.

Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho các dự án mỏ là rất lớn, công tác khai thác xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, cháy nổ, đổ lò cao hơn; cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng; các chi phí về thăm dò, an toàn lao động, môi trường tăng cao, các loại thuế, phí ngày càng tăng làm cho giá thành tăng cao.

Để giảm bớt khó khăn cho Tập đoàn, chúng tôi đang tiếp tục đề nghị Chính phủ sẽ thị trường hóa giá than. Đây là một trong những nguồn vốn để đầu tư cho các dự án phát triển mỏ.

- Xin ông cho biết, năm 2012 Tập đoàn sẽ chú trọng những dự án nào?

Ông Lê Minh Chuẩn: Năm 2012, Tập đoàn tập trung vào các dự án cải tạo nâng công suất các mỏ than, đồng thời đầu tư xây dựng các mỏ than hầm lò mới, đẩy nhanh tiến độ mỏ tham Hà Lầm ở độ sâu -300 m, khởi công dự án mỏ than Núi béo, dự án Khe chàm 2 - 4…

Về khoáng sản sẽ tập trung vào một số dự án như bauxite - nhôm ở Tây Nguyên, sắt Thạch Khê, thép Cao Bằng.../.

- Xin cảm ơn ông!

Hằng Trần

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhiều ngành hàng tiêu dùng tiếp tục thuận lợi (08/02/2012)

>   Hà Nội tạm ứng thêm 94 tỷ đồng để bình ổn giá (08/02/2012)

>   Quảng Ninh muốn mở casino 4 tỷ USD tại Vân Đồn (08/02/2012)

>   Tận dụng lợi thế giá trong xuất, nhập khẩu than (08/02/2012)

>   Cước vận tải biển rục rịch tăng thêm (08/02/2012)

>   Ngành cá tra Việt Nam 2012: Thách thức lớn nhất vẫn là vốn nuôi (08/02/2012)

>   Việt Nam vào Top 10 chỉ số tiêu dùng toàn cầu (07/02/2012)

>   Miễn nhiệm Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng (07/02/2012)

>   Đảm bảo cấp điện mùa khô 2012 (07/02/2012)

>   Thị trường bán lẻ Việt Nam, từ số 1 xuống 23 (07/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật