Thứ Tư, 08/02/2012 10:11

Tận dụng lợi thế giá trong xuất, nhập khẩu than

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục triệu tấn than ra nước ngoài, nhưng năm 2011 cũng là năm đầu tiên, Việt Nam phải nhập khẩu than. PGS - TS Nguyễn Đăng Vang, Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, đã giải thích rõ hơn động thái này.

Thưa ông, không ít thông tin cho rằng, than của Việt Nam sẽ bị khai thác cạn kiệt trong vòng 60 năm nữa. Vậy tại sao Việt Nam vẫn xuất khẩu than ra nước ngoài, trong khi lại nhập khẩu than để sản xuất điện?

Khi Chính phủ cấp phép xây dựng những nhà máy nhiệt điện mới, nhất là các nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long thì việc sử dụng than từ Quảng Ninh hay nhập khẩu từ nước ngoài cho việc sản xuất điện là do nhà đầu tư tự quyết định. Trên thực tế, phí vận chuyển khi nhập khẩu than từ Indonesia vào Đồng bằng sông Cửu Long tương đương với phí vận chuyển than từ Quảng Ninh vào. Song điều quan trọng nhất ở đây vẫn là chất lượng than tại Quảng Ninh rất tốt, nhiệt lượng đốt cháy đạt 7.600 - 8.200 kcal/kg. Trong khi loại than sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện cần năng lượng đốt thấp hơn, khoảng 5.000-6.000 kcal/kg.

Để giải quyết bài toán kinh tế đầu vào và đầu ra có hiệu quả, chúng ta vẫn duy trì nhập khẩu than để sản xuất điện, bên cạnh việc xuất khẩu than với giá cao hơn để có thể tận dụng chênh lệch giá.

Còn nhớ, trong 2 năm 2007 và 2008, Việt Nam đã xuất khẩu than để bù lỗ cho giá điện, gây bức xúc trong dư luận. Đây có phải là cách làm khác cho việc đã từng xảy ra không, thưa ông?

Đúng là đỉnh điểm vào năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 32,1 triệu tấn than, song số lượng than xuất khẩu đã giảm dần từ đó đến nay. Cụ thể, năm 2009, cả nước xuất khẩu 19,4 triệu tấn than; năm 2010 là gần 19,8 triệu tấn; năm 2011, 16,5 triệu tấn. Việc xuất khẩu than do 2 yếu tố chính tác động.

Thứ nhất là các năm gần đây, Việt Nam khai thác mỗi năm khoảng 44 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước chỉ khoảng 19 triệu tấn/năm. Số than dư thừa đã được xuất khẩu.

Thứ hai là do than của Việt Nam có chất lượng cao, nên khi xuất khẩu, giá sẽ cao hơn giá bán trong nước. Do vậy, việc xuất khẩu than với giá cao góp phần giúp ngành than cân đối được chi phí.

Ông đánh giá thế nào về trữ lượng than hiện có của Việt Nam?

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 6 bể than, trong đó 2 bể than lớn nhất là Quảng Ninh và bể than Sông Hồng. Bể than Quảng Ninh có trữ lượng 3,46 tỷ tấn khi khai thác đến độ sâu - 400 m và sẽ khai thác hết trong vòng 60 năm nữa. Tổng trữ lượng của bể than này ở độ sâu -1.500 m là 18,43 tỷ tấn. Than ở đây có nhiệt lượng cháy 7.800 - 8.600 kcal/kg. Bể than Sông Hồng, trên phần đất liền dưới độ sâu -1.700 m có trữ lượng là 36,9 tỷ tấn, than có nhiệt lượng cháy từ 5.300 đến 7.300 kcal/kg. Theo số liệu của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, tổng tài nguyên dự báo phần thềm lục địa của bể than Sông Hồng là 202,3 tỷ tấn. Như vậy, tài nguyên than tại Việt Nam dưới dạng chưa khai thác còn lớn.

Trước nguy cơ thiếu than phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu các sản phẩm than lên 20% thay cho mức 15% hiện hành. Vậy tại sao chúng ta vừa thực hiện biện pháp nhằm giảm lượng than  xuất khẩu, nhưng vẫn cho phép xuất khẩu than?

Việc điều tiết xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có than đá, phải theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, chúng ta không được dùng biện pháp hành chính can thiệp, mà sử dụng khung thuế suất đã cam kết. Vài năm trở lại đây, chúng ta khai thác than nhiều hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng tới đây, chúng ta sẽ cần thêm than đá phục vụ nhu cầu trong nước (dự báo sẽ tăng thêm 8-10 triệu tấn cho năm 2012 và tăng lên 28 triệu tấn vào năm 2015), trong khi nguồn lực đầu tư để tăng khai thác không đáp ứng kịp. Vì vậy, việc hạn chế xuất khẩu than bằng cách tăng thuế xuất khẩu các sản phẩm than là thực hiện đúng quy định trong khung cam kết với WTO.

Hải Hà

đầu tư

Các tin tức khác

>   Cước vận tải biển rục rịch tăng thêm (08/02/2012)

>   Ngành cá tra Việt Nam 2012: Thách thức lớn nhất vẫn là vốn nuôi (08/02/2012)

>   Việt Nam vào Top 10 chỉ số tiêu dùng toàn cầu (07/02/2012)

>   Miễn nhiệm Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng (07/02/2012)

>   Đảm bảo cấp điện mùa khô 2012 (07/02/2012)

>   Thị trường bán lẻ Việt Nam, từ số 1 xuống 23 (07/02/2012)

>   Thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (07/02/2012)

>   DNNN sẽ được tái cơ cấu cùng ngân hàng (07/02/2012)

>   Xuất khẩu dệt may - Đơn hàng không ổn định (07/02/2012)

>   Thiếu cá tra để chế biến xuất khẩu (07/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật