Làm chính sách theo tư duy của gánh hàng xén
Xây dựng chính sách vì lợi ích cục bộ, thiếu tần nhìn, dễ thay đổi là kiểu tư duy của gánh hàng xén.
"Cách làm chính sách của nhiều cơ quan thời gian qua vẫn chỉ nhìn trên lợi ích cục bộ, nhỏ lẻ, thiếu tầm, tư duy không khác gì gánh hàng xén; nhiều chính sách liên tục thay đổi khiến cho không ít DN nản lòng". Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu nước ngoài cho biết.
Ông có nói rằng thời gian qua chúng ta ban hành một số chính sách, quyết định có ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, mà đối tượng là các DN lại không được tính đến, ông có thể cho ví dụ về trường hợp này?
- Tôi xin nêu ví dụ đó là lệ phí trước bạ đối với ô tô, mới đây được Hà Nội nâng lên 20%, thành phố Hồ Chí Minh là 15% và phí cấp biển ô tô tại Hà Nội được nâng lên 20 triệu đồng.
Mục đích của tăng phí này không gì khác ngoài tăng nguồn thu và hạn chế ô tô cá nhân. Với HĐND 2 thành phố về vấn đề ách tắc giao thông, nhưng theo tôi phí chỉ là một khoản nộp để được nhà nước thừa nhận quyền sở hữu với tài sản người tiêu dùng đã mua. Vậy mà chúng ta biến thành 1 loại thuế cao đánh vào người tiêu dùng.
Bây giờ 1 người mua 1 chiếc ô tô có giá 1 tỷ đồng tại Hà Nội sẽ phải đóng thêm 20% lệ phí trước bạ và 20 triệu đồng phí cấp biển, như vậy tổng cộng lên tới 22% giá trị chiếc xe là mức quá cao, không ở đâu như vậy và không thể hiểu nổi dựa vào đâu mà các cơ quan đưa ra mức thu này. Tôi cho rằng việc tăng lệ phí này cũng không thể giảm ách tắc giao thông.
Mới đây Bộ trưởng bộ Giao thông cũng đã đưa ra đề xuất thu phí giao thông với ô tô mức 20 triệu đến 50 triệu đồng/xe/năm nhằm mục đích giảm phương tiện cá nhân, tăng thu cho ngân sách để xây dựng hạ tầng, ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Như tôi đã nói ở trên, chúng ta đang biến phí thành những loại thuế cao, rất kỳ lạ. Thuế vốn đã là 1 công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước, góp phần bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và công bằng xã hội. Một người mua chiếc ô tô họ đã phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tới 50% đó là chưa kể thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt theo định nghĩa là công cụ để Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng một cách công bằng hợp lý, ai tiêu dùng nhiều các hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội thì chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp thuế nhiều hơn người tiêu dùng ít hoặc không tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó.
Vậy nay lại thêm phí lưu thông phương tiện dùng để điều chỉnh công bằng xã hội thì có phải là chồng chéo và gây ra những tác động bất lợi mà nhiều người chưa hình dung ra.
Những tác động bất lợi theo ông sẽ như thế nào?
- Các đề xuất này đương nhiên là sẽ tác động tới sản xuất. Chúng ta làm chính sách nhưng hình như không quam tâm đến động lực kinh tế. Người ta làm ra của cải vật chất mà không được hưởng thụ xứng đáng sẽ không có động lực để làm việc nữa.
Quyết định tăng lệ phí trước bạ với ô tô xe máy, thu phí phương tiện... thì đối tượng chịu thiệt chính là người dân, đáng ra phải được hưởng thành quả do chính mình làm ra thì nay phải chịu cảnh giá xe cao gấp ba lần thế giới, thử hỏi mọi người sẽ nghĩ như thế nào?
DN là lực đẩy của phát triển kinh tế, chính sách làm ra gây khó khăn cho DN cũng sẽ làm giảm động lực phát triển và như vậy chẳng có nguồn thu và cũng chẳng thể điều tiết công bằng xã hội. Đó là chưa kể các ngành sản xuất có khi còn bị thui chột hoặc không phát triển được. Việc đưa ra các chính sách, các đề xuất mà thiếu cái nhìn tổng thể, sâu rộng không có sự dung hoà lợi ích các bên thì không mang lại hiệu quả.
Một số ý kiến cho rằng việc thu phí phương tiện như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải chính là sự cào bằng, thiếu khoa học,theo ông có đúng vậy?
- Ở các nước khác, tại những thành phố, nhưng trung tâm đông người để hạn chế ách tắc giao thông chính quyền thường đánh phí cao với xe lưu thông trong khu vực này. Còn xe không vào trong khu vực này, không bị thu phí. Việc thu phí tất cả mỗi xe với số tiền cố định hàng năm thực chất không phải là nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông mà nó cho thấy ngành giao thông đang thiếu tiền để xây dựng hạ tầng nên tìm cách móc thêm tiền từ người dân.
Mới đây trong Hội nghị tổng kết ngành giao thông, ông bộ trưởng Bộ Giao thông đã thông tin rằng mỗi năm ngành giao thông làm được 30 km đường cao tốc. Rõ ràng đây là vấn đề nan giải.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2006-2010 mức động viên thuế của chúng ta quá cao, tới 28%. Thuế cao, DN sẽ không có tích luỹ để tái sản xuất, người dân không có cơ hội tiêu dùng, mà đó lại là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng giảm mức động viên về 21%-22% để DN tăng đầu tư sản xuất, người dân tăng tiêu dùng. Việc tăng thu phí phương tiện giao thông đi ngược lại với mong muốn trên.
Các DN đầu tư nước ngoài nghĩ gì về những cách làm chính sách kiểu này?
- Họ phản ứng không tốt. Tôi có thông tin cho biết nhiều DN FDI muốn chuyển đầu tư từ Việt Nam sang các nước khác như Lào, Campuchia, Maliaxia...
Vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất khi trao đổi với Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài là chính sách của Chính phủ thay đổi liên tục khiến cho họ bị động. Ngành ô tô là một ví dụ điển hình. Trong 5 năm vừa qua chính sách với nhập khẩu và sản xuất lắp ráp ô tô thay đổi liên tục. Hết tăng thuế lại đến thi nhau tăng phí, đề xuất các khoản thu phí mới, làm cho các DN nản lòng. Bên cạnh đó là các chính sách ban hành ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN mà không được tính đến.
Theo tôi, chính sách kinh tế xã hội luôn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và hàng chục triệu người dân, vì vậy chính sách phải có định hướng, nhất quán.
Với những chính sách có tầm ảnh hưởng rộng nên có nhưng điều tra rộng rãi trước khi ban hành. Việc đưa ra các chính sách mang tính cục bộ, thiếu tầm, thiếu sự dung hoà lợi ích các bên thì tuy duy vẫn theo kiểu nhỏ lẻ giống như gánh hàng xén, chắc chắn không mang lại hiệu quả.
Trần Thủy
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|