Thứ Hai, 16/01/2012 06:24

"Siết" niêm yết bằng ngoại tệ: Khó cho du lịch

Nghị định 95 của Chính phủ quy định mức phạt đối với hành vi niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trái luật từ 300-500 triệu đồng, áp dụng cách đây gần 3 tháng đã được dư luận quan tâm ủng hộ. Bởi việc cấm niêm yết, thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng USD là một trong những biện pháp cần thiết để chống đô la hóa nền kinh tế.

* Bị phạt 200 triệu đồng vì bán 700 USD

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cũng đã phát sinh vấn đề, mà rõ nhất là lĩnh vực du lịch. Nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành lo ngại không biết nên chấp hành như thế nào bởi nếu chấp hành nghiêm sẽ rất dễ mất khách, còn nếu tìm cách xé rào thì sẽ bị phạt nặng...

Lâu nay, nhiều công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn vẫn có thói quen niêm yết giá tour, giá phòng… bằng USD. Phần vì “sính ngoại” cũng có nhưng phần vì phục vụ đối tượng khách nước ngoài đã hình thành thói quen này. Nay nếu áp dụng quy định mới, niêm yết toàn bộ hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam từ giá tour, giá phòng, giá dịch vụ đều bằng VNĐ thì các đơn vị du lịch phục vụ khách quốc tế sẽ gặp khó. Họ than thở lữ hành phục vụ khách quốc tế mà chỉ được niêm yết bằng VNĐ chẳng khác nào “làm cho du khách không biết đường mà đến”…

Tại một cuộc họp mới đây ở TPHCM, các công ty du lịch cho rằng: Chiếu theo quy định này, ngay các trang web bằng ngoại ngữ khác quảng bá du lịch Việt Nam cũng phải niêm yết giá tour, giá khách sạn bằng VNĐ. Khi đó, một du khách người Brazil lên mạng xem tour đến Việt Nam thấy giá 25.000.000 đồng sẽ rất dễ bị “dội” bởi họ nghĩ mình bán giá quá cao, trong khi nếu ghi là 1.200 USD, họ sẽ biết rõ rẻ chứ không phải mắc. Hoặc để hiểu rõ giá tour như thế nào, du khách sẽ phải quy đổi từ VNĐ ra USD rồi lại quy đổi ra đồng tiền nước họ để so sánh.

Lãnh đạo một hãng lữ hành lo lắng: Quảng bá tour cho khách nước ngoài mà báo giá bằng VNĐ, người ta sẽ nghĩ mình không biết làm du lịch. Căng nhất là các hợp đồng, bảng giá được gửi qua email với đối tác nước ngoài xưa nay vẫn niêm yết bằng USD liệu có bị phạt? Cách đây không lâu, một khách sạn lớn tại Hà Nội niêm yết giá phòng, giá dịch vụ… bằng USD đã bị phạt đến 500 triệu đồng khiến DN trong ngành càng thêm lo...

Để tuân thủ quy định nhưng tránh thiệt thòi cho mình, mỗi DN đã ứng phó một cách khác nhau. Có DN ký hợp đồng với đối tác bằng VNĐ theo tỉ giá 21.500 đồng/USD, DN khác sợ tỉ giá biến động đã “trừ hao” bằng cách tính 22.000 đồng/USD… (trong khi giá USD ngoài chợ đen chỉ quanh 21.200 đồng/USD).

Một số DN đề nghị nên chăng chỉ cấm niêm yết giá bằng ngoại tệ đối với hàng hóa, dịch vụ du lịch phục vụ khách nội địa. Còn công ty lữ hành đưa du khách quốc tế vào Việt Nam xem như chúng ta đang xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ về cho Nhà nước nên cho phép quảng bá tour bằng USD hoặc euro. Tỉ giá liên tục biến động nên không ai dám khẳng định nó sẽ ổn định trong suốt cả 3-6-9 tháng khi DN ký hợp đồng. Và cơ quan chức năng cũng không nên cứng nhắc áp dụng một quy định tiền tệ cho mọi đối tượng bởi câu chuyện sâu xa của tỉ giá chính là ổn định giá trị tiền đồng. 

Thái Phương

Người lao động

Các tin tức khác

>   Tăng giá trị trong chuỗi dệt may thế giới (16/01/2012)

>   Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao tới 10,4% (16/01/2012)

>   EVN dự kiến tổn thất điện năm 2012 không giảm (15/01/2012)

>   Khó bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp (15/01/2012)

>   Còn nhiều kẽ hở trong việc phân phối xăng dầu (14/01/2012)

>   Ngã ba đường của Vinashin (14/01/2012)

>   Vinapco lo mất trắng gần 24 tỷ đồng với nhạc sỹ Hà Dũng (14/01/2012)

>   Giấc mơ rồng của doanh nghiệp (14/01/2012)

>   Khi doanh nhân nhỏ lệ (14/01/2012)

>   Bóp cổ “thượng đế” ! (14/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật