Bóp cổ “thượng đế” !
Té nước theo mưa, đục nước béo cò, giậu đổ bìm leo… là những câu thành ngữ quen thuộc, mang nghĩa chung “lợi dụng thời cơ để kiếm chác lợi lộc cho riêng mình”, gần đây được sử dụng khá phổ biến trong quan hệ kinh tế, nhất là khâu thị trường giá cả. Câu chuyện về tăng giá túi ni lông, túi xốp đang rất thời sự là một ví dụ điển hình của hành vi té nước theo mưa đó.
Từ ngày 1-1-2012, Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó, sản phẩm túi ni lông, túi xốp phải đóng thuế đến 45.000 đồng/kg, đối tượng chịu thuế là các doanh nghiệp có đăng ký sản xuất sản phẩm này. Trong thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ Tài chính cũng nêu đối với loại túi tự hủy, về sau nếu được miễn thuế thì doanh nghiệp sẽ được hoàn trả khoản thuế đã đóng.
Từ đây nảy sinh hai vấn đề.
Một là, các cơ sở sản xuất túi ni lông được áp thuế khoán vốn không bị điều chỉnh bởi Luật Thuế Bảo vệ môi trường nhưng cũng thừa cơ tăng giá bán sản phẩm này. Khoản thuế 45.000 đồng/kg đó được họ đưa vào kết cấu giá thành và tất nhiên, người mua túi ni lông phải gánh. Với lượng túi ni lông được tiêu thụ mỗi ngày rất lớn, các cơ sở thuế khoán này đã lãi đậm.
Chuyện đã xảy ra rần rần cả tuần qua ở khắp nơi. Trong khi người tiêu dùng biết (mà không làm gì được) thì lẽ nào cơ quan quản lý thị trường, thuế vụ… lại không hay? Kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này là việc trong tầm tay của nhà chức trách nhưng họ đã không làm được bởi trách nhiệm bị buông lỏng, khả năng phán đoán tình hình chưa tốt và phản ứng chậm chạp.
Hai là, đối với những khoản thuế bảo vệ môi trường đã đóng cho túi tự hủy, về sau trong trường hợp được hoàn thuế thì chỉ có doanh nghiệp mới dễ dàng được giải quyết, còn người tiêu dùng thì… chưa có phương án trả lại. Câu trả lời về cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn rất mơ hồ.
Như vậy, trong hai vấn đề nêu trên, người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Vậy mà trong quan hệ cung - cầu, họ luôn được xưng tôn là “thượng đế”!
Dương Quang
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|