Thứ Sáu, 13/01/2012 21:39

Đặc sản xuất ngoại

Gần như 100% mặt hàng có mặt trong mâm cỗ ngày Tết Việt Nam đều được xuất khẩu sang nước ngoài, phục vụ người Việt và cộng đồng người châu Á khắp nơi

Đến thời điểm này, những lô hàng đặc sản Tết Việt cuối cùng đã xuất xưởng để phục vụ kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng người châu Á trên thế giới.

Nhộn nhịp các mặt hàng truyền thống

Ông Quách Hưng Tòng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh (chuyên xuất khẩu các mặt hàng đặc sản Việt Nam), cho biết công ty đã xuất xong 14 container đặc sản các loại như củ kiệu, cà pháo, tương, mắm, hủ tiếu dai, bánh tráng, tôm khô, gạo, nếp, đậu, ớt tươi (khoảng 800 - 900 mặt hàng)… sang Mỹ để bán Tết. Từ nay đến cuối tháng 1-2012, công ty “chạy hết công suất” để kịp cung ứng cho các đơn đặt hàng từ thị trường này. Mùa Tết, đơn đặt hàng từ nước ngoài có thêm bánh tét, bánh chưng, mứt các loại và cả lá chuối, lá dong… “Lá chuối, lá dong lau sạch, đóng gói hút chân không rồi được đông lạnh, khi xuất sang bên đó, lá vẫn còn tươi xanh. Sản lượng xuất khẩu những mặt hàng này không nhiều, chủ yếu phục vụ cộng đồng người Việt xa quê muốn tìm lại không khí Tết Việt” - ông Tòng cho biết.

Tập đoàn Kinh Đô (KDC) cũng xuất khoảng 50 container bánh kẹo các loại sang Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Năm nay, Kinh Đô đầu tư vào 2 dòng bánh thượng hạng là Korento và hộp quà cao cấp Hương Xuân. Công ty CP Vinamit cũng đã xuất một lượng lớn trái cây sấy sang Trung Quốc, Mỹ, Canada, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Do tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu còn khó khăn nên Vinamit không chào bán sản phẩm mới mà tập trung vào các mặt hàng có sẵn như mít sấy, trái cây sấy thập cẩm, kẹo, bơ…

Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia, cũng cho biết đã hoàn tất hợp đồng xuất khẩu bánh tét, bánh chưng, bánh gai và lá dong. Năm nay, Trần Gia đầu tư thêm máy tiệt trùng sản phẩm trước khi hút chân không, cấp đông xuất khẩu, giúp bảo quản hàng được lâu hơn. Từ tháng 11-2011 đến nay, Công ty Sản xuất Thương mại Trí Đức đã xuất 10 tấn mứt sen, gừng, dừa, bí, khoai lang, cà rốt sang Đài Loan và Mỹ. “Nhờ làm hàng xuất khẩu sớm, tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ nên tính ra, lợi nhuận từ xuất khẩu cao hơn so với làm hàng bán nội địa” - bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức, phấn khởi cho biết.

Sản lượng giảm

Theo các công ty, do năm nay Tết đến sớm và tình hình kinh tế thế giới còn ảm đạm nên số lượng đặc sản xuất khẩu cũng giảm. Thực tế, đa số đơn vị làm hàng xuất khẩu đều là doanh nghiệp quy mô nhỏ, cơ sở sản xuất hoặc hợp tác xã…, chủ yếu gia công cho các công ty xuất khẩu hoặc xuất qua trung gian nên lợi nhuận không cao. Ngoài ra, do phía đối tác nước ngoài giảm đặt hàng nên một số sản phẩm doanh nghiệp ưu tiên sản xuất tại công ty mà không đưa ra ngoài gia công.

Các doanh nghiệp lớn cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung. Ông Lê Quốc Trung, Giám đốc Thương mại Công ty CP Vinamit, cho biết: “Doanh thu từ xuất khẩu chiếm đến hơn 50% tổng doanh thu của Vinamit. Mùa này, các loại trái cây sấy được tiêu thụ khá mạnh tại những thị trường nước ngoài. Mọi năm, trước Tết 2 tháng, các đối tác đã chộn rộn đặt hàng nhưng năm nay, phải đến gần Tết Dương lịch mới có đơn hàng xuất khẩu. Lượng đặt hàng cũng giảm nhẹ so với mọi năm. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng, Vinamit có điều chỉnh giá bán một số sản phẩm để bù đắp chi phí nên nhìn chung, giá trị xuất khẩu hàng Tết tăng nhưng thực chất lợi nhuận từ hoạt động này không tăng”.

Cũng từ nguyên nhân kinh tế thế giới suy thoái, sức tiêu thụ tại đa số thị trường đều sụt giảm, ông Quách Hưng Tòng cho biết lượng đặt hàng xuất khẩu Tết này giảm đến 10% - 20% so với cùng kỳ năm rồi. Tương tự, năm nay Công ty Hải Minh chỉ tập trung xuất khẩu vào Mỹ mà không xuất sang Pháp, New Zealand như mọi năm.

Nhiều hàng độc đáo, lạ mắt

Năm nay, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khá nhiều và lượng Việt kiều về quê ăn Tết cũng đông nên ngoài việc xuất khẩu “hương vị” Tết, các doanh nghiệp cũng tung ra nhiều món ngon, vật lạ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Cụ thể, các nhà vườn ở ĐBSCL giới thiệu bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, tạo hình trên giống trái không hạt hoặc ít hạt. Một số nhà vườn còn chào bán dưa hấu hình hồ lô, dưa hấu hình xe hơi.

Vì là hàng “độc” nên giá các loại trái cây trên khá mắc: Dưa hấu hình xe hơi hơn 10 triệu đồng/cặp (khoảng 1,7 - 2  kg/trái), dưa hấu hình thỏi vàng 5 - 6,5 triệu đồng/cặp, dưa hấu vuông 1,5 - 2,5 triệu đồng/cặp, bưởi hồ lô trên dưới 1 triệu đồng/trái.

Thanh Nhân

người lao động

Các tin tức khác

>   Tăng năng lực chính sách thương mại DN nhỏ và vừa (13/01/2012)

>   Bộ trưởng Huệ: "May mà giá xăng dầu không tăng” (13/01/2012)

>   Công ty dịch vụ hậu cần Thái mở rộng đầu tư tại VN (13/01/2012)

>   Cuộc rượt đuổi VNPT, Viettel (13/01/2012)

>   Khó khăn đón chờ doanh nghiệp bảo hiểm (13/01/2012)

>   VNPT Global sáp nhập vào MobiFone  (13/01/2012)

>   Tìm vốn cho hành trình mới (13/01/2012)

>   Dự kiến 31/01 bàn giao Nhà máy Đạm Cà Mau (13/01/2012)

>   Tình tiết mới về vụ tiền chất gây nghiện trong ngành dược (13/01/2012)

>   Giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu năm 2012 (12/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật